"Con gái rượu" là cách gọi cưng chiều của bố mẹ dành cho con gái. Nhiều người thắc mắc tại sao con trai lại không được gọi như vậy.
Nhiều người cho rằng, nguồn gốc cách gọi "con gái rượu" có thể xuất phát từ thực tế các ông bố hay uống rượu và thưởng nhờ con gái đi mua hộ. Họ thấy rằng trong gia đình, con gái thường là người tình nguyện nhất trong việc đi mua rượu cho bố và đem về đầy đủ, trong khi con trai lười biếng khó sai vặt hơn, bảo đi mua thì khó, lại còn hay uống trộm rượu của bố.
Một cách giải thích khác cho khái niệm "con gái rượu" là các ông bố rất quý rượu, cũng rất yêu con gái, nên ví cô con gái bảo bối của mình như một thứ rượu quý. Con rể đến hỏi vợ hay thăm bố vợ thường mang biếu bố chai rượu ngon, điều này cũng được nhiều người coi là xuất xứ của từ "con gái rượu" quen thuộc.
Có quan điểm lại cho rằng từ "con gái rượu" được dùng chỉ cô con gái được bố mẹ hết mực yêu quý, khi đi lấy chồng thì gia đình mở tiệc lớn, tốn rất nhiều rượu ngon, rượu quý. Sự đắt giá của rượu này không chỉ nằm ở giá trị vật chất mà còn là biểu tượng cho tình cảm, sự quan tâm và hy vọng của cha mẹ đối với con gái.
Tuy nhiên nhiều người đồng tình với ý kiến, "con gái rượu" là biến thể của một từ gốc Hán Việt là "nữ nhi tửu".Thông tin trên báo Thanh Niên, mọi chuyện xuất phát từ hàng ngàn năm về trước, khởi nguồn từ loại rượu mà người Trung Quốc gọi là Hoàng tửu (黄酒), một loại rượu truyền thống nổi tiếng ở vùng Thiệu Hưng (thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay).
Hoàng tửu là loại rượu nếp cái hoa vàng, có nguồn gốc đa dạng với nhiều thương hiệu lừng danh như Phong cang tửu, Phúc Kiến lão tửu, Vô Tích huệ tuyền tửu, Giang âm hắc đỗ tửu, Thiệu Hưng trạng nguyên hồng, đặc biệt là Nữ nhi hồng (女儿红) - loại rượu dẫn đến việc hình thành cụm từ "con gái rượu" trong tiếng Việt.
Vào năm 304, thời nhà Tấn, danh sĩ Kê Hàm ở vùng Thượng Ngu đã từng ghi lại điển tích về Nữ nhi tửu hay Nữ nhi hồng tửu trong quyển Nam phương thảo mộc trạng: "Ngày xưa Nữ nhi tửu là loại rượu mà những gia đình giàu phải có trong dịp gả con gái". Theo phong tục cổ xưa của người Thiệu Hưng, lúc con gái chào đời, người cha sẽ chọn 3 vò rượu gạo nếp ngon nhất, trang trí thật đẹp bên ngoài, mời nghệ nhân khắc vẽ các hoa văn điềm lành như hình hoa lá, ký tự, chim muông và những con thú rồi bịt kín miệng vò bằng bùn, chôn dưới gốc cây quế hoa (hoa mộc) hoặc giấu trong vách, dưới hầm.
Khi con gái 18 tuổi, lấy chồng, họ sẽ múc 3 chén rượu đầu tiên đặt trên bàn thờ rồi đem dâng lên cha chồng, cha đẻ và chồng của cô dâu, nhằm chúc sức khỏe, trường thọ và thịnh vượng, sau đó đãi người thân, bạn bè, nên loại rượu này có tên là Nữ nhi hồng tửu hay Nữ nhi tửu. Cụm từ "con gái rượu" có khả năng là biến thể của Nữ nhi tửu (女儿酒) trong tiếng Trung Quốc.
Các gia đình có con trai cũng chôn rượu xuống đất; rượu này được lấy lên khi con trai đạt đến tuổi trưởng thành, được gọi là rượu "trạng nguyên hồng" thay vì "nam nhi tửu", có lẽ đó cũng là lý do tại sao người xưa gọi "con gái rượu" mà không gọi "con trai rượu".
Ngày xưa, ở vùng Thiệu Hưng, nếu sinh bé trai, gia đình sẽ chôn những vò Trạng nguyên hồng tửu dưới đất, hy vọng rằng khi lớn lên, con trai sẽ lên kinh ứng thí, đậu trạng nguyên.
Lúc con vinh quy bái tổ, gia đình sẽ đào những vò Trạng nguyên hồng tửu lên đãi khách, báo tin vui. Tuy nhiên vạn người đi thi thì chỉ có một người chiếm ngôi đầu bảng vàng, cho nên trên thực tế Trạng nguyên hồng thường được dùng để chiêu đãi khách khi con trai kết hôn.
|
|