Chiều nay, tin từ Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến nay, lũ trên hầu hết các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã rút xuống dưới báo động 1, báo động 2 và tiếp tục xuống.
Trong đợt lũ này đã gây thiệt hại nặng cho các địa phương, đặc biệt là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định.
Theo thống kê, mưa lũ đã làm cho 2 người ở Quảng Ngãi chết; 3.393 nhà tại 3 huyện của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị ngập. Trong đó, Quảng Ngãi 2.273 nhà ven sông Vệ thuộc 2 huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành bị ngập 0,5m-1m; Bình Định có 1.120 nhà ven sông Lại Giang thuộc huyện Hoài Ân bị ngập 0,3m-0,7m.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm cho gần 500 ha lúa hoa màu bị ngập chìm, mất trắng; hơn 14 nghìn m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở, gây ách tắc giao thông nhiều nơi.
|
Nhiều tuyến đường lên vùng cao Quảng Nam vẫn bị chia cắt do sạt lỡ. |
Mưa to, nước chảy xiết mấy ngày qua làm cho nhiều tuyến giao thông, công trình thủy lợi ở các huyện miền núi như An Lão, Hoài Ân (Bình Định) bị sạt lở, hư hỏng, chia cắt giao thông. Ở huyện vùng trũng Tuy Phước, nhiều đoạn trên các tuyến đường ĐT 640, 636, 638 từ Trung tâm huyện về vùng Gò Bồi, các xã khu đông vẫn bị chia cắt do nước còn ngập sâu từ 0,5 đến 1 m.
Việc đi lại của người dân chủ yếu bằng đò. Chính quyền địa phương tiếp tục cắt cử lực lượng công an, quân đội canh gác tại những nơi nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại, đồng thời bố trí xe ô tô vận tải lớn và thuyền để đưa người.
Đặc biệt, trong ba ngày qua, tại 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mưa lớn gây chia cắt nhiều nơi. 6 xã vùng cao là Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân đến ngày 27/11 vẫn còn bị chia cắt. Tại xã Trà Kót (Bắc Trà My) bị đứt cầu treo do mưa lũ khiến 47 hộ dân nơi đây bị cô lập hoàn toàn.
|
Người dân Quảng Nam tranh thủ dọn dẹp sau lũ. |
Cùng ngày, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, đợt lũ vừa qua cũng gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này, với con số thiệt hại lên đến 117 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho nông nghiệp đến 106 tỷ đồng. Điều lo ngại hiện nay là tình trạng thiếu giống để sản xuất vụ đông xuân tới.
Hiện huyện đã đề nghị tỉnh và trung ương hỗ trợ 100 tấn thóc giống, 10 tấn các loại giống rau màu và 200.000 cây giống lâm nghiệp để nhân dân có điều kiện sản xuất vụ đông xuân.
Ngay sau khi lũ rút, người dân cùng chính quyền các địa phương ở miền Trung tập trung khắc phục sạt lở các tuyến đường giao thông, đặc biệt là các tuyến đường lên các huyện miền núi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Trong khi đó, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân Thừa Thiên Huế ra đồng ruộng từ sáng sớm để sửa, dọn bờ kịp xuống giống cho hơn 25 nghìn ha lúa đông xuân 2011-2012.
Trên các cánh đồng thấp trũng tại huyện Quảng Điền, máy cày không thể xuống ruộng, nông dân dùng cày bừa thủ công và sức người làm đất, kịp xuống giống lúa vụ đông xuân vào đầu tuần tới.
Phòng NN&PTNT Quảng Điền đã chuẩn bị đủ lượng thóc giống chủ lực (4b, 13/2, X21, Xi 23, Khang dân, TH5, DV108, HT1, IR 352) cung ứng cho bà con nông dân.
Vân Anh