Vụng ấp trứng và nuôi con, dễ bị bệnh, hiếm giống thuần là những nguyên nhân khiến gà Đông Tảo dù đang được kích nuôi khá nhiều tại Hưng Yên, nhưng vẫn có giá cả chục triệu/con.
Biết được giá trị kinh tế của giống gà Đông Tảo và muốn lập một đàn nuôi mới, anh Nguyễn Bình, ở Sóc Sơn, Hà Nội quyết định mua một lứa 5 gà mái, một gà trống với giá 400.000 đồng/con để lấy giống. Tuy nhiên, gà đã nuôi hơn 2 năm, đã đẻ trứng, nhưng không thể ấp nở, trong khi gà giống mua về vẫn còn nhỏ, và chưa thể bán thành phẩm với giá chục triệu như anh mong muốn.
"Gà Đông Tảo thực ra không khó nuôi, và chúng đẻ trứng rất đều. Mỗi đợt, một con mái có thể đẻ được 15 trứng, sau đó nghỉ một tháng và đẻ trở lại. Thế nhưng đẻ được trứng và ấp nở thành con là hai chuyện rất khác nhau. Bằng chứng là 5 gà mái có lúc ấp tới vài chục quả nhưng chẳng thể nở được con nào", anh Bình tâm sự.
Qua tìm hiểu, anh Bình mới biết, thực tế những con gà Đông Tảo khá vụng ấp trứng và nuôi con. Hơn 1 tuổi cho trứng, nhưng lông của gà mái lại quá mỏng, khiến việc ấp trứng tự nhiên trở nên khó khăn.
"Thông thường, trứng gà Đông Tảo nhỏ, có màu hơi xanh, dễ phân biệt với trứng thường. Cùng tuổi, nhưng nếu để gà mái Đông Tảo tự ấp trứng sẽ khó nở hơn gà thường, bởi chúng không đủ lông cánh để đảm bảo nhiệt độ cho trứng nở. Nếu muốn cải thiện khả năng ấp trứng tự nhiên của gà Đông Tảo thuần, người nuôi phải chuẩn bị chuồng có đèn, đảm bảo nhiệt độ đủ ấm", chị Lê Thị Nguyệt, một chủ nuôi gà Đông Tảo tại thị trấn Đông Tảo, Hưng Yên cho biết.
Hiện tại, giống gà thuần Đông Tảo còn lại rất hiếm. Để duy trì đàn, và đảm bảo nguồn cung thịt, nhiều hộ gia đình đã cho lai gà thuần với giống thường nhằm tăng đàn. Con lai khi còn nhỏ hầu như chưa mang những đặc điểm nổi trội nhất của giống Đông Tảo như lông mỏng, ngắn, chân lớn, cao, xù xì, nên rất khó chọn được gà mang giống tốt và đem lại giá trị kinh tế cao.
"Mua một đàn gà mới nở với giá hơn 100.000 đồng/con, nhưng khi lớn, tỷ lệ gà có thể đạt chuẩn về cân nặng và độ lớn của cặp chân lại không nhiều, chỉ đạt 50%. Gà Đông Tảo không dễ bị bệnh cúm, nhưng dễ có khuyết tật hậu môn, khiến gà khó lớn và teo cơ dần.
Chưa kể, nuôi gà Đông Tảo mất thời gian hơn gà thường, trung bình phải 2-3 năm mới có thể xuất một lứa. Đây là lý do khiến giá gà này cao hơn nhiều so với những giống khác, người bán tính tiền theo con mà không tính kg như gà thường", chị Trần Thị Hân, một chủ trại nuôi gà Đông Tảo ở Văn Giang, Hưng Yên cho hay.
VNN