Nhiều doanh nghiệp đầu tư làm dự án du lịch tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau đó phải 'bỏ của chạy lấy người' hoặc bị ngân hàng kê biên dẫn đến mất trắng, lâm cảnh nợ nần.
Cánh chim đầu đàn ngành du lịch "gãy cánh"
Năm 2011, Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi đầu tư resort Sa Huỳnh (xã Phổ Châu, TX Đức Phổ) và resort Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 600 tỷ đồng. Cả hai khu resort này trở thành điểm nhấn của ngành du lịch Quảng Ngãi thời bấy giờ.
Khu du lịch Sa Huỳnh trước viễn cảnh đổi chủ khi phía ngân hàng bán phát mãi.
Thế nhưng, sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, làm ăn có lãi thì vài năm trở lại đây cả hai khu resort rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, nhất là từ sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi cho biết: "Để thực hiện các dự án, ngoài tiền mặt thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng. Các dự án này triển khai theo kêu gọi của tỉnh. Phần nữa chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội phát triển nếu địa phương đầu tư hạ tầng như đã "vẽ".
Thoái vốn nhà nước bất thành
Trong số các cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi thì vốn góp của nhà nước thông qua SCIC chiếm tỷ lệ 2,77%. Để thoái vốn nhà nước, SCIC rao bán toàn bộ cổ phần với số tiền khoảng 5,6 tỷ đồng, nhưng sau hai lần đều bất thành khi không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Thế nhưng, ngoài việc doanh nghiệp tự thân thì phía chính quyền không có nhiều hỗ trợ. Hạ tầng giao thông, xã hội quá kém dẫn đến không hút được du khách.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu giảm, riêng resort Sa Huỳnh từ lãi 5,7 tỷ đồng năm 2018 sang lỗ 2,6 tỷ đồng năm 2019. Sau dịch việc kinh doanh càng lỗ, nguồn thu không đủ để trả lương cho người lao động".
Cũng theo ông Hùng, trong khi kinh doanh thua lỗ, lãi ngân hàng và nợ gốc ngày càng phình to thì các khoản thu ngắn hạn hơn 211 tỷ đồng chưa thể thu hồi kịp khiến công ty rơi vào tình trạng cạn tiền để thanh toán các khoản nợ. Điều đó buộc doanh nghiệp phải "buông" hàng loạt tài sản đã tâm huyết đầu tư.
Đầu tiên, doanh nghiệp này "nhả" hãng taxi Quảng Ngãi Tourist cho một hãng taxi khác. Nhưng chừng đó là không đủ, đơn vị này tiếp tục sang tay khách sạn Hùng Vương, tọa lạc ở vị trí vàng trung tâm TP Quảng Ngãi nhằm cứu hai dự án du lịch.
Song, các khoản nợ quá lớn nên cả hai khu resort tiếp tục rơi vào vòng xoáy nợ nần và bị chủ nợ kiện ra tòa. Từ đó, số phận cả hai resort lớn nhất Quảng Ngãi bị kê biên tài sản.
Ghi nhận thực tế tại resort Sa Huỳnh và Mỹ Khê cho thấy, hoạt động tiếp đón khách vẫn diễn ra, song lượng khách khá ít. Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng.
"Công ty là cánh chim đầu đàn của ngành du lịch Quảng Ngãi, nhưng chuyện đến hôm nay thực sự rất khó nói. Cả hai resort đang bị phía ngân hàng phát mãi, coi như vài trăm tỷ đầu tư giờ mất trắng. Mình đầu tư thua lỗ thì tự chịu, không trách ai cả, nhưng thực sự với cách làm của Quảng Ngãi thì ngành du lịch mãi không thể "lớn" được.
Như resort Mỹ Khê chỉ có mỗi công ty đầu tư xây dựng, nhưng hạ tầng tiện ích nhà nước đầu tư kém, các doanh nghiệp khác cũng không muốn làm dẫn đến không thể thành "chợ". Ông bà nói rồi, "buôn có bạn bán có phường", mà bao năm qua chỉ có mỗi công ty hoạt động nên cô thương độc mã thì "chết" thôi", ông Hùng chua chát.
"Bỏ của" vì không tìm thấy cơ hội
Toàn cảnh resort Mỹ Khê do Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi làm chủ đã bị phía ngân hàng Vietcombank bán phát mãi.
Dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được cấp giấy chứng nhận lần đầu năm 2010 cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và du lịch IDICO, trên diện tích 23,5ha, tổng vốn đầu tư 824 tỷ đồng.
Nhưng sau vài năm, nhà đầu tư đã "buông" dự án cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Song, cũng như chủ cũ, doanh nghiệp này chỉ thực hiện một số phần việc và rồi dần "quên" đầu tư dù đã đổ ra không ít tiền. Dự án treo gây lãng phí nên tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi để bán đấu giá.
Cách đó vài bước chân là dự án khu du lịch sinh thái biển Hàng Dương, do Công ty TNHH Hà Thành làm chủ đầu tư, được tỉnh Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư từ năm 2003, với diện tích gần 14ha.
Sau khi được giao đất, nhà đầu tư không triển khai đầu tư như kế hoạch nên tỉnh Quảng Ngãi thu hồi gần 10ha. Quỹ đất gần 4ha còn lại Công ty Hà Thành triển khai xây dựng một số hạng mục cơ bản. Song, tỷ lệ chiếm đất khá thấp và không tạo được cơ ngơi như trong thiết kế. Đồng thời, qua thanh tra tỉnh Quảng Ngãi phát hiện nhiều sai phạm. Đến năm 2021, tỉnh này ban hành quyết định thu dự án.
Đại diện một doanh nghiệp đầu tư tại Khu du lịch Mỹ Khê cho rằng, việc đầu tư không đến nơi đến chốn một phần do dòng tiền chưa đảm bảo, song điểm khiến họ nản không muốn làm vì hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và các tiện ích quá kém.
"Cả khu vực không có một công trình nào từ ngân sách tạo bứt phá để hút khách du lịch nên doanh nghiệp ngại "vung" tiền. Dự án bị thu hồi, doanh nghiệp có "đau" song đành chịu vì nếu làm tiếp thì giờ đã… phá sản vì không có khách. Nay tỉnh đầu tư đường, hạ tầng khác, doanh nghiệp muốn làm thì dự án đã bị thu hồi", vị này nói.
Còn dự án Khu du lịch Thiên Đàng (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), có quy mô "khủng" nhất Quảng Ngãi với diện tích đất lên đến hơn 106ha, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng.
Qua gần 18 năm, nhà đầu tư đã chi số tiền lên đến hơn 1.825 tỷ đồng để xây dựng hàng trăm hạng mục công trình. Nhưng rồi, cũng như bao dự án du lịch khác, khu du lịch này dần rơi vào cảnh hoang vắng và đi đến đóng cửa vì thiên tai tàn phá, vì những sai phạm trong xây dựng và vì không có khách.
Vì sao doanh nghiệp du lịch Quảng Ngãi "không thể lớn"?
Hình ảnh hoang hóa, đổ nát ở khu du lịch Mỹ Khê sau 20 năm kêu gọi đầu tư.
Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, toàn tỉnh có 370 cơ sở lưu trú với 4.800 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 1 sao, còn lại chỉ đủ điều kiện tối thiểu.
"Quảng Ngãi nằm ở vị trí thấp trong bản đồ du lịch miền Trung. Nguyên nhân là công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh, hạ tầng dịch vụ du lịch yếu kém. Sự kết nối các tour, tuyến du lịch còn rời rạc, chưa có một điểm nhấn cụ thể, rõ ràng nên ngành du lịch chưa thể phát triển như kỳ vọng", ông Dũng thừa nhận.
Chủ tịch Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, Quảng Ngãi có rất nhiều danh thắng nhưng sự liên kết không có, câu chuyện không liền mạch, hạ tầng không kết nối, đặc biệt là các điểm nhấn, điểm nổi bật, điểm thu hút mờ nhạt. Thêm nữa, du lịch Quảng Ngãi hình thành theo kiểu tự phát, quá sơ sài từ ý tưởng đến cách thực hiện.
"Đó là yếu điểm dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch lâm vào cảnh làm không lãi. Người làm du lịch rất tâm huyết, nhưng chính quyền đứng ngoài cuộc thì chỉ từ "thua tới thua", ông Mỹ nhận xét.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi Phan Long cho rằng, việc doanh nghiệp du lịch bị kê biên tài sản, hoặc "bỏ chạy" dù đã đổ vốn đầu tư là chuyện rất đau lòng. Bên cạnh chiến lược kinh doanh thì các yếu tố cộng sinh như hạ tầng, thiết chế yếu, thiếu trợ lực từ quảng bá sẽ đẩy doanh nghiệp lâm vào khó khăn.
Tại diễn đàn bàn giải pháp phát triển du lịch Quảng Ngãi mới đây, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Du lịch Quảng Ngãi chậm và phát triển kém hơn so với các tỉnh có điều kiện tương đồng. Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực chưa đáp ứng, sản phẩm du lịch chưa đa dạng…
Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư về hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để xây dựng các dự án lớn tạo điểm nhấn nhằm kéo ngành công nghiệp không khói phát triển.