Tranh cãi ngoại giao bùng nổ giữa Ba Lan và Hungary đã phơi bày những căng thẳng sâu sắc giữa 2 nước thành viên này cả trong NATO và EU với những hướng tiếp cận khác biệt hoàn toàn với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tranh cãi ngoại giao bùng nổ
Một cuộc tranh cãi ngoại giao đã nổ ra giữa Ba Lan và Hungary, làm bộc lộ những căng thẳng sâu sắc ở châu Âu về cách đối phó với Nga khi nước này đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ba Lan, giống như Đức, Pháp và hầu hết các nước châu Âu khác, là một đồng minh ủng hộ Ukraine mạnh mẽ trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban thường được coi là có quan hệ nồng ấm nhất với Điện Kremlin trong số các nhà lãnh đạo EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (phải) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trao đổi với nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng Hạt nhân ở Brussels tháng 4/2024. Ảnh: AP
Chính phủ Ba Lan đã công khai chỉ trích Hungary vì lập trường này. Tranh cãi nổ ra khi ông Orban phản bác lại Ba Lan vào cuối tuần trước.
"Ba Lan đang theo đuổi chính sách đạo đức giả rõ ràng nhất trong toàn bộ châu Âu. Họ rao giảng cho chúng tôi về đạo đức, chỉ trích chúng tôi vì các mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với Nga nhưng cùng lúc đó, họ cũng đang làm ăn với Nga và mua dầu một cách gián tiếp cũng như vận hành nền kinh tế Ba Lan bằng nó", ông Orban nói.
Điều này đã vấp phải sự phủ nhận và phản ứng giận dữ từ Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Władysław Teofil Bartoszewski, người tuyên bố hôm 28/7 rằng: "Chúng tôi không làm ăn với Nga, không giống như Thủ tướng Orban, người đứng bên lề xã hội quốc tế, cả trong EU và NATO".
Ba Lan từng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga nhưng đã nỗ lực trong nhiều năm để hạn chế sử dụng dầu mỏ và khí đốt Nga. Sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Ba Lan quyết định dừng nhập khẩu dầu mỏ Nga.
Magda Jakubowska, Phó Chủ tịch Visegrad Insight, một tạp chí chính sách tập trung vào Trung Âu, nhận định Ba Lan có lẽ vẫn còn dầu mỏ Nga trong các kho dự trữ trong các đợt vận chuyển trước đây nhưng đã không còn nhập khẩu dầu từ Moscow. Đường ống Druzhba, vận chuyển dầu từ Nga tới Ba Lan "đã không còn hoạt động nữa", bà Magda Jakubowska cho hay.
Theo bà, khoảng 50% nhập khẩu của Ba Lan hiện đến từ Saudi Arabia và một số lượng nhất định đến từ Na Uy. Bà cho biết có thể một lượng nhập khẩu dầu nhất định đến Ba Lan có liên hệ gián tiếp với Nga nhưng số lượng này không đáng kể.
Cách đây 1 năm, ông Orban có thể đưa ra nhận định trên nhưng hiện nay, theo bà Jakubowska: "Có lẽ ông ấy vẫn chưa được cập nhật tình hình".
Thứ trưởng Bartoszewski nói rằng, ông Orban nên tham gia liên minh cùng với Tổng thống Putin và thậm chí đề nghị ông nên rời các tổ chức của phương Tây. Bình luận của ông được hãng thông tấn nhà nước PAP của Ba Lan dẫn lại.
Hungary bị cô lập vì lập trường với Nga
Hungary bị cô lập trong EU do cách tiếp cận của nước này với Nga và lập trường thân thiện với Trung Quốc. Các quan chức EU đã tẩy chay các cuộc họp không chính thức do Hungary chủ trì - quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU.
"Nếu bạn không muốn trở thành một thành viên, bạn luôn có thể rời đi. Tôi thực sự không hiểu tại sao Hungary muốn là một thành viên của các tổ chức mà nước này không thích lắm", Thứ trưởng Bartoszewski nói.
Tranh cãi vẫn chưa dừng lại ở đây.
Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đã phản bác nhận định của ông Bartoszewski trên Facebook khi nói rằng: "Trong một thời gian dài chúng tôi đã phải chịu sự khiêu khích và thái độ đạo đức giả của chính phủ Ba Lan hiện tại, với mục đích duy trì tình hữu nghị Ba Lan - Hungary nhưng nay chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi".
Ba Lan và Hungary từng có mối quan hệ khăng khít trong lịch sử.
Ông Orban từng giữ mối quan hệ rất hòa hợp với những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ đứng đầu Ba Lan từ 2015 - 2023 do có chung quan điểm về di cư và EU. Cả hai đều phản đối việc cho phép những người di cư từ Trung Đông và châu Phi vào châu Âu. Cả hai chính phủ cũng cáo buộc EU tìm cách tước đi quyền lực của các nước thành viên.
Mối quan hệ trên chỉ bắt đầu xấu đi khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hành động mà Ba Lan coi là mối đe dọa hiện hữu trong khu vực. Quan hệ này cũng tiếp tục trở nên tồi tệ hơn từ khi chính phủ ủng hộ EU nắm quyền ở Warsaw dưới thời Thủ tướng Donald Tusk vào tháng 12.
VietBF@ Sưu tập