Từng bị đánh cắp tài khoản và kẻ gian lợi dụng tài khoản đó để vay tiền người thân, Thu Phương quyết định chuyển sang ứng dụng nhắn tin mã hóa.
Hồi đầu năm, Thu Phương (Hà Nội) bị đánh cắp tài khoản Facebook sau khi bấm vào đường link "bình chọn âm nhạc". Kẻ gian sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của cô dụ chuyển tiền. "Có người bị lừa, không nghi ngờ vì thấy cách nhắn tin quen thuộc do kẻ lừa đảo đã đọc những lời chat trước đó để học cách nói chuyện", Phương nói.
Dù số tiền thiệt hại không lớn, điều cô lo lắng là nhiều đoạn chat của mình bị người lạ đọc được. "Đó có thể là nội dung buôn chuyện thông thường, nhưng cũng có những thông tin bí mật liên quan đến các mối quan hệ, công việc, gia đình", cô cho hay.
Phương sau đó chuyển các cuộc trò chuyện quan trọng sang các nền tảng mã hóa đầu cuối như Viber, WhatsApp. Messenger gần đây cũng đã triển khai giải pháp này, nhưng chưa đồng bộ và hoạt động thiếu ổn định. "Với những nền tảng chưa mã hóa, tôi phải thận trọng khi nói chuyện vì tin nhắn khi gửi đi sẽ có thể bị đọc trên một thiết bị lạ", Phương nói.
Việc xâm phạm tin nhắn trở thành mối lo của nhiều người khi nhu cầu giao tiếp qua phương thức này trở nên phổ biến. Theo thống kê của DataReportal, 96,8% người dùng Internet tại Việt Nam có sử dụng dịch vụ chat, nhắn tin. Tuy nhiên, nhiều cuộc trò chuyện qua tin nhắn bị rò rỉ do tài khoản bị chiếm, thiết bị dính mã độc hoặc người trong cuộc chụp ảnh màn hình rồi chia sẻ. Một số cho biết họ gặp tình trạng quảng cáo liên quan hiển thị ngay sau khi nói chuyện với bạn bè về món đồ nào đó, và đặt nghi vấn nền tảng có thể thu thập thông tin cuộc trò chuyện để quảng cáo.
Gia tăng sử dụng app bảo mật
Đại diện Rakuten Viber, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng với tính năng mã hóa đầu cuối, cho biết lượng trao đổi qua nền tảng này đang ngày càng tăng. Mã hóa đầu cuối, tức tin nhắn chỉ có thể được đọc trên thiết bị gửi và nhận đã được chỉ định. Bên thứ ba, gồm cả nhà cung cấp nền tảng, cũng không thể đọc nội dung này.
Ông David Tse, Giám đốc khu vực APAC của Rakuten Viber, cho biết các tính năng như gọi nhóm, khám phá thông tin, ghi chú trên nền tảng tăng 10-30%, cho thấy lượng người dùng và thời gian hoạt động đều tăng trưởng. Trung bình hàng tháng, người dùng Việt thực hiện hơn 16 triệu cuộc gọi, gửi 474 triệu tin nhắn, 36 triệu bức ảnh qua nền tảng nhắn tin này.
Khảo sát của Viber cũng cho thấy 54% người dùng chọn ứng dụng vì tính bảo mật và quyền riêng tư, 44% vì tính miễn phí và 34% cảm thấy hài lòng vì không bị spam. "Bảo mật tin nhắn là mối quan tâm lớn của người dùng, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng", ông Tse nói.
Không chỉ người dùng Việt Nam, đây cũng là xu hướng chung trên thế giới. Viber cho biết ứng dụng của họ hiện thu hút hơn một tỷ lượt tải. Trung bình mỗi phút có ba triệu người dùng hoạt động và dành trung bình 35 phút mỗi ngày trên app.
Ngoài Viber, các ứng dụng mã hóa phổ biến là WhatsApp, iMessage, Signal. Messenger cũng triển khai thử nghiệm vào cuối 2023. Telegram hỗ trợ mã hóa đầu cuối, nhưng không được đặt mặc định, chỉ có tác dụng khi người dùng bật tính năng Trò chuyện bí mật.
Nhược điểm của tin nhắn bảo mật
Gần nửa năm sử dụng công cụ nhắn tin mã hóa, theo Thu Phương, điểm bất tiện nhất là việc không đồng bộ và lưu trữ tin nhắn.
"Nhiều lúc phải dùng tin nhắn tự hủy để tránh bị chụp màn hình, nhưng khi cần lại không thể tra cứu thông tin", Phương nói. Ngoài ra, một số nền tảng nhắn tin mã hóa đầu cuối chỉ hoạt động trên smartphone, khiến người phải làm việc trên nhiều thiết bị như cô thấy bất tiện.
Do mới triển khai, Messenger bị nhiều người phàn nàn vì tính năng kém ổn định. Khi cần nhắn tin, người dùng có thể mất thời gian chờ đợi tin nhắn đồng bộ. Với Viber, do cơ chế xóa tin nhắn trên máy chủ ngay sau khi chúng được chuyển đi, người dùng có nguy cơ mất tin nhắn cũ khi đổi thiết bị. Nền tảng khắc phục bằng cách nhắc người dùng chủ động sao lưu sang bộ nhớ đám mây như iCloud hoặc Google Drive.
Ngoài ra, việc giữ an toàn cho người dùng cũng tiềm ẩn nguy cơ ứng dụng bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp. Theo ông David Tse, Viber sẽ gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam để hỗ trợ người dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tốt hơn.
Ví dụ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan điều tra, họ có thể hỗ trợ cung cấp lịch sử kết nối, nhưng không thể cung cấp chi tiết nội dung tin nhắn, cuộc gọi bởi chúng không được lưu trữ trên máy chủ của nền tảng. Bù lại, với tính năng an toàn của mình, Viber có thể giúp hạn chế việc lộ lọt thông tin, phát hiện và chặn tin nhắn, cuộc gọi spam, và sắp tới mở rộng thêm tính năng gửi OTP thay cho tin nhắn truyền thống.
|
|