'Sự phẫn nộ do Facebook tạo ra giống như thuốc phiện'. Cố vấn thận cận của cựu CEO Apple, Steve Jobs, Joanna Hoffman chia sẻ về những tranh cãi gần đây liên quan đến Facebook như vậy đó.
Tại hội nghị CogX được tổ chức trực tuyến vào tuần trước, Joanna Hoffman cho rằng hành động "buôn bán sự phẫn nộ" của Facebook chẳng khác gì một công ty bán thuốc phiện, một hãng thuốc lá bán thuốc lá.
"Chúng ta biết sự phẫn nộ có thể gây nghiện, và chúng ta có thể thu hút mọi người tham gia nền tảng nếu khiến họ đủ phẫn nộ", "cánh tay phải" của Steve Jobs chia sẻ.
Joanna Hoffman là một trong những cố vấn được Steve Jobs tin tưởng nhất. Ảnh: CNBC.
Hoffman, người từng tham gia bộ phận phát triển máy tính Macintosh đầu tiên, đã đưa ra bình luận trên trong buổi hội thảo với các đồng nghiệp cũ tại General Magic, công ty từng thuộc sở hữu của Apple. Đó là câu trả lời của Hoffman cho một câu hỏi liên quan đến vị trí lãnh đạo trong ngành công nghệ.
"Tôi cứ suy nghĩ rằng họ (Facebook) thực sự không biết điều đó, hay có một thứ gì đen tối thôi thúc phía sau", Hoffman chia sẻ.
Dù bày tỏ sự tôn trọng với những thành tựu của phương tiện truyền thông xã hội, Hoffman cho rằng một số khía cạnh của chúng đang "phá hủy nền dân chủ, phá hủy mối quan hệ con người và buôn bán một loại thuốc phiện gọi là sự phẫn nộ".
16 năm sau khi được Mark Zuckerberg tạo ra trong ký túc xá trường Harvard, giá trị vốn hóa thị trường của Facebook giờ đây lên đến 650 tỷ USD. Nền tảng này đã nhiều lần bị chỉ trích liên quan đến kiểm duyệt tin giả, chứa ngôn từ kích động và bạo lực với một số chủ đề nhạy cảm.
Tình trạng bất ổn hiện nay tại Mỹ là thách thức lớn nhất mà CEO Mark Zuckerberg phải đối mặt từ khi Facebook thành lập. Ảnh: BBC.
Thời gian gần đây, Facebook tiếp tục gây tranh cãi khi CEO Zuckerberg quyết định không kiểm duyệt bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến phong trào biểu tình Black Lives Matter. Bài đăng của tổng thống chứa những lời đe dọa như "When the looting starts, the shooting starts" (Khi cướp bóc xảy ra, tiếng súng sẽ nổ).
Vào năm ngoái, nhà sáng lập Facebook đã phản đối chính sách kiểm duyệt bài đăng từ chính trị gia. Ông khẳng định người dùng có thể xem bài đăng, tin hay không là quyền của họ. Tuần trước, Zuckerberg cho rằng bài đăng trên được xem là cảnh báo từ nhà nước, và mọi người cần biết đến nó nếu chính phủ lên kế hoạch triển khai lực lượng quân đội.
Trong bức thư nội bộ mà The Verge có được, các nhân viên Facebook đã phản đối góc nhìn trung lập của công ty, nói rằng quyết định trên khiến họ buồn và cảm thấy xấu hổ.
VietBF@ sưu tầm.