Theo các chuyên gia, những con voi ma mút lông xù cuối cùng trên Trái đất đã tuyệt chủng vào khoảng 4.000 năm trước. Nguyên nhân được cho là 'sự kiện đóng băng' ngắn hạn.
Sau khi nhiều loài voi ma mút tuyệt chủng, một quần thể voi ma mút lông xù đã di cư tới một hòn đảo xa xôi ở Bắc Cực. Những con voi ma mút lông xù sống trên đảo Wrangel đã sống sót lâu hơn nhiều đồng loại khoảng 7.000 năm.
Dù vậy, loài voi ma mút lông xù vẫn không tránh khỏi thảm kịch diệt vong. Loài này tuyệt chủng vào khoảng 4.000 năm trước. Trong những năm qua, giới nghiên cứu nỗ lực làm sáng tỏ nguyên nhân khiến loài ma mút lông xù bị "xóa sổ" khỏi Trái đất.
Mới đây, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy "sự kiện đóng băng" ngắn hạn có thể là nguyên nhân chính khiến loài voi ma mút lông xù tuyệt chủng.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhận định này sau khi phân tích hóa thạch xương và răng của các con voi ma mút lông xù được tìm thấy trên đảo Wrangel.
Laura Arppe đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Phần Lan và các đồng nghiệp đã nghiên cứu những hóa thạch trên qua đó giải mã chế độ ăn uống, dinh dưỡng và sự trao đổi chất của những con voi ma mút lông xù cuối cùng trên Trái đất.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra một sự kiện thời tiết cực đoan đã dẫn đến nguồn thức ăn của voi ma mút lông xù sụt giảm. Theo đó, số lượng loài này giảm dần trước khi biến mất hoàn toàn khỏi Trái đất.
Các chuyên gia lý giải, Trái đất đã trải qua những thay đổi lớn về khí hậu từ thời tiết ấm áp sang lạnh giá vào hơn 4.000 năm trước. Khi ấy, mặt đất phủ đầy băng tuyết khiến nhiều loài động thực vật không thể sinh tồn. Điều này tác động trực tiếp đến sự sinh tồn của voi ma mút lông xù.
Do thiếu thức ăn trong thời gian dài nên số lượng voi ma mút lông xù trên đảo Wrangel ngày càng giảm cho đến khi không còn con nào.