Khi gan bắt đầu bị tổn thương, cơ thể sẽ phát ra một số tín hiệu. Thế nhưng, không phải ai cũng biết.
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Gan lọc máu, loại bỏ chất độc hại, chuyển hóa chất dinh dưỡng, tổng hợp protein, sản xuất các yếu tố cần thiết cho quá trình đông máu, lưu trữ vitamin và khoáng chất, điều hòa lượng đường trong máu. Ngoài ra, gan cũng tham gia vào việc sản xuất mật - một yếu tố cần thiết cho quá trình tiêu hóa chất béo. Chính vì thế, gan được ví là cơ quan nắm giữ sinh mệnh của con người.
Thế nhưng, gan lại là cơ quan không có dây thần kinh cảm giác. Do đó, các dấu hiệu ban đầu khi gan bị tổn thương thường mờ nhạt, khó nhận biết. Cho tới khi gan bị tổn thương nặng, các dấu hiệu mới xuất hiện rầm rộ. Việc nhận biết được những dấu hiệu sớm của các tổn thương gan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn chức năng gan, chặn đứng các mối nguy hiểm như xơ gan, suy gan và ung thư gan.
9 dấu hiệu cho thấy gan bắt đầu bị tổn thương
Ngứa da là một trong số các biểu hiện của tổn thương gan (Ảnh: Dr Maggie Yu)
Theo chuyên trang sức khỏe Very Well Health, viêm là giai đoạn đầu tiên của các tổn thương gan. Vào thời điểm này, hầu hết bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm, ví dụ như xét nghiệm công thức máu toàn phần hoặc xét xét nghiệm chức năng gan, tổn thương gan có thể được phát hiện.
Sau giai đoạn này, gan có thể xuất hiện một vài dải mô sẹo. Bệnh nhân có thể bắt đầu có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Luôn cảm thấy yếu ớt, kiệt sức
- Ngứa da
- Nôn hoặc buồn nôn
- Chán ăn
- Giảm cân
- Rối loạn chức năng tình dục
- Đau âm ỉ ở bụng
- Nổi các tĩnh mạch có màu đỏ giống như màng nhện dưới da
Điều gì xảy ra khi không phát hiện kịp thời các tổn thương gan?
Không giống như hầu hết các cơ quan khác trong cơ thể, gan có thể tự sửa chữa ở một mức độ nào đó. Nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm, việc kiểm soát, loại bỏ các nguyên nhân của bệnh và thay đổi lối sống có thể giúp đảo ngược các tổn thương. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành xơ hóa nặng khiến gan không phục hồi được các chức năng.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như cổ trướng, lú lẫn, mất ngủ, thay đổi tính cách, khó ghi nhớ, dễ bị bầm tím da, phù chân, vàng da hoặc vàng mắt, đại tiện phân sẫm màu, nôn ra máu, có nước tiểu rất sẫm màu. Lúc này, các phương pháp điều trị và thuốc men có thể giúp làm chậm quá trình tổn thương và suy gan. Nhưng đối với những người mắc bệnh gan giai đoạn cuối, ghép gan có thể là phương án cuối cùng để duy trì sự sống cho bệnh nhân.
VietBF@ Sưu tập