Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định rút dự án Luật Nhà văn ra khỏi chương trình chuẩn bị do phạm vi, chính sách, nội dung cơ bản chưa được làm rõ. Luật biểu tình sẽ được QH xem xét trong nhiệm kỳ này.
Dự án Luật nhà văn do đại biểu tỉnh Nghệ An Nguyễn Minh Hồng đề xuất và đầu kỳ họp đã được đưa vào chương trình chuẩn bị. Tuy nhiên, ngay sau đó, dự án đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều đại biểu nên cuối cùng đã được rút khỏi chương trình.
Cùng được đưa ra khỏi chương trình chuẩn bị còn có dự án Luật bảo vệ quyền riêng tư (do đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đề xuất) cũng với lý do như trên.
Ảnh: Minh Thăng
Chuẩn bị Luật biểu tình
Riêng dự án Luật biểu tình vẫn được giữ nguyên. Theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án Luật biểu tình được đưa vào chuẩn bị xem xét trong nhiệm kỳ này để chuẩn bị thể chế hóa điều 69 của Hiến pháp năm 1992, tạo công cụ pháp lý để người dân thực hiện quyền của mình và nhà nước quản lý, kiểm soát hoạt động biểu tình đúng pháp luật.
Tuy nhiên, dự án luật cần được chỉ đạo, chuẩn bị kỹ về nội dung, cân nhắc thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua và điều kiện tỏ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng biểu tình gây rối an ninh, trật tự, làm ảnh hướng lợi ích nhà nước và công dân.
Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng đề xuất nhiều dự án luật mới như Luật từ chức, Luật phản biện xã hội, Luật tòa án hiến pháp... Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, các dự án này mới chỉ là đề xuất về tên gọi, chưa có hồ sơ, thuyết minh đầy đủ, chưa nêu rõ phạm vi, chinh sách cần điều chỉnh nên đề nghị chưa đưa vào chương trình. Các đại biểu và cơ quan đề xuất sẽ tiếp tục nghiên cứu khi nào đủ điều kiện sẽ tiếp tục tái đề xuất với Quốc hội.
Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 được chốt lại gồm 85 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh (trong chương trình chính thức). Đó là các dự án: Luật hoặc nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; Luật Thủ đô, Luật đất đai sửa đổi...
38 dư án luật, 3 dự án pháp lệnh thuộc chương trình chuẩn bị bao gồm Luật biểu tình, Luật báo chí, Luật về hội hoặc luật lập hội, Luật tieps cận thông tin...
Ủy ban Thường vụ QH sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để các đại biểu chuyên trách và đại biểu nào quan tâm có thể cho ý kiến về các dự án luật trước khi trình Quốc hội. Ngoài ra, các ủy ban trong quá trình thẩm tra luật cần tiếp tục thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi cùng tham gia hợp tác.
Lê Nhung
VNN