Xin nói luôn rằng, câu chuyện giữa quả thận của cựu HLV Alfred Riedl không có liên quan gì tới bản hợp đồng bản quyền truyền hình gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Nhưng đôi khi những vấn đề chẳng có tẹo liên quan gì lại có mối liên hệ với nhau giữa cách nghĩ và cách làm.
1. Chuyện từ quả thận
Số là người lái xe tin cẩn của HLV Alfred Riedl vừa qua có tiết lộ bí mật về vị khán giả đã hiến tặng quả thận cho ông thầy người Áo trong thời gian dẫn dắt ĐTVN. Có hai người phù hợp để có thể hiến tặng thận cho ông Riedl, một là anh chàng giáo viên, người còn lại là một anh công nhân mới học hết lớp 6. Qua các xét nghiệm thì ông thầy người Áo biết rõ thận của anh công nhân khỏe hơn, tất nhiên nếu nhận quả thận của anh công nhân hiến tặng để ghép, sẽ tốt cho sức khỏe của ông Riedl hơn.
Nhưng cuối cùng ông lại chọn quả thận của anh chàng thầy giáo, không phải vì anh này là trí thức. Mà đơn giản ông lập luận rằng, anh công nhân thì tối quan trọng cần sức khỏe để lao động, nếu bị ảnh hưởng tới 30% sức khỏe sau khi hiến thận thì khả năng lao động của anh công nhân bị ảnh hưởng rất nặng nề. Còn người thầy giáo kia tất nhiên cũng phải lao động và rất cần sức khỏe, nhưng dù sao anh cũng là lao động trí thức không vận động chân tay quá sức như anh công nhân.
Qua vài lời kể lại của người lái xe cho ông Riedl chúng ta mới thấy được sự hợp lý và tầm nhìn xa của ông thầy người Áo, đấy không phải là cách nghĩ chỉ biết lợi cho bản thân ông mà quan trọng hơn là cách nghĩ cho ân nhân, cho người đã tự nguyện hiến tặng thận cho mình. Đồng thời, qua đó thể hiện một tư duy logic của ông thầy người Áo, nhưng quan trọng hơn tất thảy, đó là cái "tâm" trước mỗi việc mình làm.
2. Bản hợp đồng giữa VFF và AVG
|
Sự hợp tác giữa VFF và AVG sẽ đem lại lợi ích chung hay là lợi ích riêng trong bộ máy của họ |
Cần phải khẳng định ngay rằng, khi ký hợp đồng với AVG thì VFF đã thu được món tiền rất lớn (ít nhất là so với 1-2 năm trước đó). Chính bởi lẽ đó, mà người ta vảm thấy dễ hiểu khi những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam lại dễ dàng ký vào bản hợp đồng 20 năm đến vậy. Tất nhiên, trước khi ký hợp đồng thì VFF cũng đã nhận được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo cao hơn.
So sánh giữa quá khứ và bản hợp đồng hiện tại, VFF lợi trăm đường, không phải lo có sóng lên hình, không phải bỏ tiền ra để mời nhà đài đến tường thuật, cũng chẳng phải lo chuyện cơm áo gạo tiền (bởi số tiền thu được đã gấp nhiều lần của năm trước).
Nhưng chỉ có một điểm mà khiến đông đảo giới mộ điêu phải suy nghĩ rằng, 20 năm là khoảng thời gian quá dài cho một bản hợp đồng, thông thường chỉ thực hiện 3 năm (ngay cả bản hợp đồng lao động giữa cầu thủ với CLB thì VFF cũng chỉ cho phép ký tối đa 3 năm).
Với lũy tiến 10% trong khi lạm phát trong năm 2011 của Việt Nam là hơn 18%, như vậy số tiền mà VFF thu được trong năm thứ hai của hợp đồng là 6,6 tỷ đồng thực chất lại nhỏ hơn số tiền 6 tỷ đồng của năm đầu tiên. Với cách suy luận như vậy, chỉ cần lạm phát cứ trên 10 % thì tiền mà VFF thu được của năm sau thực chất là nhỏ hơn năm trước.
Đấy là chưa xét tới yếu tố bóng đá là môn thể thao thu hút được đông đảo sự quan tâm của xã hội và dư luận nên sẽ có sức bật rất lớn, đôi khi nó phát triển ngoài sức tưởng tượng.
Nói vậy không có nghĩa là bản hợp đồng giữa VFF và AVG là không đúng luật. Thiết nghĩ, bầu Kiên có nói gì đi nữa thì việc khẳng định bản hợp đồng giữa VFF và AVG không đúng luật là rất khó thuyết phục. Bởi lẽ, một hợp đồng kéo dài 2 thập kỷ thì cả AVG và VFF đều không phải là những "tay mơ" về mặt luật pháp, nên chắc chắn khi ký hợp đồng cả hai bên đã có một lực lượng tư vấn luật dày dạn kinh nghiệm đứng sau, đấy là chưa kể đến sự tham vấn của các cơ quan nhà nước.
Bản hợp đồng chỉ có một điểm đáng lưu tâm rằng, nó không sát sườn so với thực tế. Khi mà tình hình lạm phát tăng chóng mặt thì mức lũy tiến như vậy chưa đánh giá được sự phát triển của bóng đá Việt Nam về sau này.
Thế mới thấy câu nói của ông Riedl rằng "bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc" vẫn vang vọng đâu đây. Có vẻ như cách làm ngắt ngọn, chưa nghĩ sâu đến tương lai, hay nói như ai đó rằng "chốt lời quá sớm" vẫn rất đúng ở khía cạnh này.
Nếu như những người cầm bút ký vào bản hợp đồng đó có cách nghĩ và cách làm giống ông thầy người Áo chọn người hiến thận, thì bóng đá Việt Nam đâu có rắc rối như ngày hôm nay! Tiếc thay...
(Bạn đọc : Nam Thành), bongda.com.vn