Những ngày qua, nước Mỹ đang phải hứng chịu trận bão tuyết lịch sử với nhiệt độ thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Những người Việt đang sinh sống và làm việc tại nơi đây cũng đã chia sẻ những cách thức để có thể “tồn tại” và chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của nơi đây.
Anh Thức sống ở thành phố Rockville, bang Maryland, nhưng làm việc ở Washington, cách nhà 28 km.
Từ sáng 23/1, tuyết đã rơi dày 60 cm ở Rockville, xe cộ hầu như không di chuyển được. Đi bộ cũng không phải là phương án an toàn bởi rất dễ ngã và khó đứng dậy vì không chống tay xuống đất được.
"Cách đi bộ an toàn là đi trên vệt bánh ôtô và ngược chiều xe chạy. Nhìn thấy xe từ xa thì tấp vào đống tuyết ven đường nhường cho xe đi qua rồi lại trở lại vệt bánh xe để đi tiếp", anh Thức chia sẻ kinh nghiệm với VnExpress.
Sau hai ngày chìm trong bão tuyết Jonas, anh mô tả "thành phố Rockville như thành phố ma hay thấy trong các phim kinh dị".
"Tôi ra đường lúc 9h sáng, phố xá vắng tanh, chỉ có các xe ủi tuyết thỉnh thoảng lầm lũi đi qua. Ga tàu điện ngầm vẫn đóng cửa", anh kể.
Phương tiện đi làm hàng ngày của anh Thức là tàu điện nhưng do bão, phương tiện này cũng chỉ hoạt động hạn chế và không có tuyến nào đi qua ga ở khu vực anh sinh sống.
Sau nhiều giờ thử đủ mọi cách, từ mượn xe ôtô của bạn bè đến vẫy nhờ xe ủi tuyết, thậm chí tính đến cả phương án đi bộ đi làm, cuối cùng anh Thức cũng gọi được một chiếc taxi Uber để đến Washington.
"Anh lái xe thả mình ở cửa văn phòng, trước khi đi, anh bảo Washington bây giờ chẳng khác gì một thành phố chết", anh kể và cho hay những gì vừa trải qua trong đợt bão tuyết này là một kinh nghiệm lớn cho bản thân.
Với Hà Chi, 27 tuổi, đây là năm thứ 8 ở Mỹ và thứ ba ở Washington, nhưng chưa bao giờ cô trải qua mùa đông khắc nghiệt như năm nay.
"Mình và chồng sắp cưới đi chợ từ hôm thứ 5 để trữ thêm thực phẩm rồi mua nến. Hàng hóa trong các siêu thị 'bốc hơi' nhanh chóng. Từng dòng người xếp hàng dài chờ tới lượt thanh toán", Chi kể. "Vì cháy hàng nên hôm sau bọn mình lại phải ghé chợ lần nữa mới mua được đồ".
Chi cho hay tuyết rơi dày liên tục từ đầu buổi chiều 22/1 đến đêm 23/1. "Tất cả các trường học đóng cửa. Mình đã chuẩn bị vài bộ phim để xem trong những ngày ở nhà", cô kể thêm.
Chiều qua, khi bão tuyết đã hết, Chi và chồng sắp cưới lại mất nhiều giờ để cào tuyết, chiếc ôtô của hai người bị tuyết phủ kẹt cứng.
Hiện các hoạt động trong thành phố vẫn chưa thể trở lại bình thường do công nhân cần nhiều thời gian mới thu dọn hết lượng tuyết lớn. Tuy nhiên, hệ thống tàu điện ngầm sẽ mở cửa miễn phí để giúp người dân tiện đi lại.
Lê Ngọc Ly, ở Arlington, Virginia, cho hay cuộc sống của gia đình cô có chút xáo trộn vì bão Jonas. Ly phải làm việc từ xa suốt 4 ngày vì công ty đóng cửa, các cuộc hẹn vào cuối tuần phải dời lại sớm hơn.
Bố mẹ cô bỏ lịch tập thể dục buổi sáng, gia đình cô cũng phải đi chợ từ giữa tuần để chuẩn bị đủ thực phẩm trong những ngày bão. Lượng tuyết dày 70 cm khiến cả thành phố đóng cửa.
Tuy nhiên, do từng sống ở bang Pennsylvania, nơi tuyết rơi dày và thường xuyên hơn, nên cô không quá bất ngờ trước bão Jonas. Nỗi lo lắng duy nhất của Ly là mất điện đã không xảy ra.
Minh Đức, ở thành phố New York, một trong những nơi có lượng tuyết rơi dày kỷ lục, lại tỏ ra hào hứng hơn. Anh cho hay do bão đổ bộ vào hai ngày cuối tuần nên công việc không bị ảnh hưởng.
"Năm nay tuy có bão nhưng không khắc nghiệt và lạnh buốt với những cơn gió mạnh cuốn xe, cuốn người như năm ngoái", anh Đức nói. "Bão tuyết năm nay ấm hơn, gió phất phơ và tuyết mịn hơn".
Tuyết dày 68 cm đổ xuống công viên Central Park ở New York là lượng tuyết cao thứ nhì kể từ năm 1869.
Tuy nhiên, hôm 23/1, anh Đức cho hay mình vẫn tranh thủ ra đường và chụp ảnh kỷ niệm với bạn bè. Khu vực trung tâm vẫn đông người. Những người Nga ở gần bãi biển còn tổ chức đi bơi.
Hôm nay, anh Đức sẽ đi làm bằng tàu điện. Các phương tiện công cộng ở New York vẫn hoạt động, tuy đóng cửa sớm hơn bình thường.
Cơn bão tuyết Jonas càn quét một chục bang ở miền đông Mỹ từ hôm 22/1 đến 24/1, ảnh hưởng đến khoảng 85 triệu cư dân. Ít nhất 29 người đã thiệt mạng.
vbf @ sưu tầm