Thực tế rất ít người quan tâm đến vị trí để máy tính, màn hình các thiết bị điện tử khi giải trí hay làm việc. Chủ yếu chỉ cần thuận tiện và thoải mái là được.
Tiểu Trì (tên họ đã được thay đổi) 25 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Công việc của cô chủ yếu liên quan đến nhập liệu, công ty lại chuyên về bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nên tài liệu cần xử lý mỗi ngày rất nhiều.
Hai năm trước, khi mới đi làm ngày nào Tiểu Trì cũng đau nhức hết mình mẩy, tê đầu ngón tay. Cô cho biết, sau này khi quen với công việc và có mẹo để máy tính thuận tiện theo thói quen của riêng mình thì công việc cũng hiệu quả, thoải mái hơn. Nhưng cô không ngờ chính kiểu để máy tính này lại khiến cô 2 lần nhập viện.
Cô gái 25 tuổi đột nhiên liệt tay phải sau khi thức dậy (Ảnh minh họa)
Lần đầu tiên là vào khoảng đầu năm nay, cô thường xuyên cảm thấy từ bả vai tới ngón tay bên phải của mình đau nhức, thỉnh thoảng bị tê. Cơn đau không quá nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng nhiều tới công việc nên Tiểu Trì tới bệnh viện địa phương để khám. Kết quả chẩn đoán cô bị thoái hóa đốt sống cổ. Nhưng sau gần 2 tháng điều trị bằng thuốc kích thích thần kinh kết hợp với châm cứu lẫn xoa bóp, các triệu chứng của cô vẫn không thuyên giảm.
Tiểu Trì tiếp tục dò hỏi người quen lẫn các diễn đàn trên mạng xã hội và tới một vài bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền khác. Tuy nhiên, kết quả đều giống nhau làm cô rất nản lòng. Cô cũng dần quen với việc chịu đựng cảm giác khó chịu ở tay, quá đau thì sẽ dùng thuốc.
Cho đến hơn một tuần trước, vừa thức dậy thì Tiểu Trì phát hiện toàn bộ cánh tay phải của mình không thể cử động, cũng không có cảm giác gì. Trong cơn hoảng loạn, cô vừa khóc vừa bắt taxi tới thẳng phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Chiết Giang (Chiết Giang, Trung Quốc).
Sau khi trải qua một loạt các kiểm tra, các bác sĩ tại đây kết luận Tiểu Trì bị Hội chứng lối thoát ngực và phải phẫu thuật. Bác sĩ điều trị của Tiểu Trì cho biết: “Hội chứng lối thoát ngực là một nhóm các rối loạn không rõ ràng, được đặc trưng bởi đau và dị cảm tại bàn tay, cổ, vai, hoặc cánh tay. Chúng liên quan đến sự chèn ép lên đám rối dây thần kinh cánh tay (và có thể cả mạch thượng đòn) khi những cấu trúc này đi qua lối thoát ngực.
Hiện vẫn chưa có các kỹ thuật chẩn đoán cụ thể và rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang hội chứng liên quan tới vai gái, bệnh về đốt sống cổ. Đó là lý do bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm trong một số lần trước đó. Phương pháp điều trị bao gồm liệu pháp vật lý trị liệu, giảm đau, trong trường hợp nặng như Tiểu Trì thì phải phẫu thuật mạch”.
Khi nghe về bệnh của mình, Tiểu Trì bất ngờ một thì lúc biết được nguyên nhân gây bệnh càng hoang mang mười. Hóa ra nó có liên quan tới thói quen đặt máy tính của cô gái trẻ. Do thuận tay trái và thường vừa gõ bàn phím vừa kiểm tra giấy tờ nên Tiểu Trì có thói quen đặt laptop hoặc màn hình máy tính để bàn lệch hẳn về bên tay phải. Rất nhiều người có thói quen giống như cô, cho rằng nó rất thoải mái nhưng lâu ngày dễ gây bệnh xương khớp và cả hội chứng lối thoát ngực.
Bác sĩ điều trị của Tiểu Trì giải thích: “Việc đặt màn hình máy tính không đúng cách khiến bệnh nhân quay đầu, trọng tâm thân trên sang bên phải khi sử dụng máy tính. Về lâu dài dẫn đến co thắt cơ bậc thang giữa trước bên phải lâu dài, chèn ép đám rối cánh tay và mạch máu ở khu vực đầu ngực được hình thành bởi nó và xương sườn đầu tiên. Điều này dẫn đến các triệu chứng như tê, đau nhức và yếu ở cánh tay phải”.
Ông cũng nhắc nhở chúng ta nên lưu ý cả tư thế ngồi và vị trí đặt máy tính, thiết bị điện tử khi làm việc hay giải trí. Nên để màn hình thiết bị cao ngang bằng và thẳng với tầm mắt. Ngoài ra, hãy giữ lưng thẳng nhưng không quá căng, thả lỏng hai vai và đứng dậy đi lại hay giãn cơ tại chỗ sau mỗi 45 phút - 1 giờ ngồi liên tục.
VietBF@ Sưu tập