Du khách bị phạt 200.000 Đài tệ (hơn 6.100 USD, tương đương 152 triệu đồng) và bị trục xuất về nước sau khi chó nghiệp vụ ở sân bay Đài Loan đánh hơi phát hiện hộp cơm có thịt heo.
Người vi phạm là một công dân Indonesia đến Đài Bắc từ Hồng Kông vào cuối tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, Cơ quan Kiểm tra động thực vật Đài Loan vừa công bố vụ việc này với truyền thông địa phương. Tất cả các sản phẩm thịt heo từ các vùng có dịch tả heo châu Phi cũng bị cấm. Mức phạt 200.000 Đài tệ đối với những người vi phạm lần đầu nhưng các vi phạm kiểm dịch sau đó sẽ tăng lên 1 triệu Đài tệ (khoảng 46.000 USD).
Du khách vi phạm nói trên được cho là không thể trả tiền phạt và bị trục xuất.
Hộp cơm có thịt heo quay của du khách mang vào Đài Loan
Các vùng dịch tả heo châu Phi đang được ghi nhận ở châu Á có: Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Bắc Triều Tiên, Lào, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Timor-Leste, Indonesia, Papua New Guinea, Ấn Độ, Malaysia, Bhutan, Thái Lan, Nepal, Singapore và Bangladesh.
Đài Loan là một trong số ít quốc gia/vùng lãnh thổ ở châu Á chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Tổ chức Thú y Thế giới cảnh báo dịch tả heo châu Phi là một bệnh do virus rất dễ lây lan ở heo nhà và heo rừng, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%. Đồng thời nhấn mạnh "không phải là mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người nhưng có tác động tàn phá đối với đàn heo và nền kinh tế nông nghiệp.
Tổ chức này cũng chỉ ra rằng "virus có khả năng tồn tại trên quần áo, ủng, bánh xe và các vật liệu khác. Nó cũng có thể tồn tại trong nhiều sản phẩm thịt heo khác nhau như giăm bông, xúc xích hoặc thịt xông khói".
Do đó, hành vi của con người có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan bệnh này qua biên giới nếu không thực hiện các biện pháp thích hợp.
Úc, quốc gia vẫn chưa có dịch tả heo châu Phi, áp dụng mức phạt lên tới 6.260 đô la Úc đối với những du khách cố tình không khai báo hàng hóa có nguy cơ cao như thịt heo và các sản phẩm thịt khác hoặc cung cấp thông tin sai lệch, gây hiểu lầm.