Trung Quốc đầu tư số tiền lớn để tuyển trạch những đứa trẻ tài năng, đào tạo chúng hướng tới mục tiêu 'săn vàng' tại các kỳ Olympic.
Tháng trước, vận động viên cử tạ người Mỹ Hillary Tran đã đến miền bắc Trung Quốc, để tận mắt chứng kiến cách tuyển trạch và đào tạo thế hệ "săn vàng" tiếp theo của đất nước đã giành được 7/10 huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic Tokyo cách đây 3 năm.
Bài đăng trên Instagram nữ VĐV 31 tuổi về quá trình này nhanh chóng gây sốt mạng xã hội. Cô có kể hoạch trở lại đây vào tháng 8 để tìm hiểu sâu hơn về những trường học vùng nông thôn đã thúc đẩy cái được dân mạng gọi là "gold medal farming" (nuôi trồng 'huy chương vàng').
Hillary Tran đã chia sẻ trải nghiệm khi chứng kiến quá trình tuyển trạch, đào tạo nhân tài cử tạ của Trung Quốc. Ảnh: @
BABYhills.
"Cá nhân tôi ước mình được trải sẵn một con đường như thế khi còn trẻ. Tôi nghĩ nhiều VĐV Mỹ cũng mong điều đó, bởi chúng tôi phải tự tài trợ để theo đuổi thể thao và đó là thứ không kiếm được nhiều tiền", Tran nói.
Trong video đầu tiên, Tran theo chân huấn luyện viên cử tạ Trung Quốc Lu Xiantao - người đã tuyển trạch VĐV có huy chương vàng tại Olympic Rio 2016 Deng Wei và nhà vô địch thế giới Zhang Jie - đến một trường học ở một thị trấn thuộc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, phía tây bắc đất nước.
Lu đến thăm các lớp học sinh từ 6 đến 11 tuổi để chọn ra những em nhanh nhất và khỏe nhất. Sau đó, những đứa trẻ thực hiện các bài tập và đánh giá khuynh hướng di truyền của chúng để xem cơ thể các em có phù hợp với môn cử tạ hay không.
Một số người dùng mạng xã hội không thoải mái với cách đánh giá trẻ em như vậy. Những người khác cho rằng việc đánh giá tiềm năng thể thao của trẻ ở độ tuổi đó là không chính xác.
Tran cho biết các học sinh mà cô thấy nhìn đều rất hào hứng khi được chọn và thường cần phải thuyết phục cha mẹ vì phụ huynh không thấy tập luyện cử tạ là có tương lai, họ chỉ muốn con mình tập trung vào việc học hoặc các môn thể thao khác.
Video thứ hai, Tran tập trung vào tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và cơ hội thể thao ở các thị trấn, làng mạc, cũng như cách trẻ em sẽ luyện tập nếu chúng đăng ký. Trong một clip, một cậu bé có vẻ ở độ tuổi tiểu học đang đẩy tạ với khối lượng 70 kg.
Tran, VĐV đã đại diện thi đấu cho Mỹ, thường xuyên tập luyện và tham gia trại huấn luyện ở Trung Quốc, nơi cô gặp huấn luyện viên Lu.
"Sau khi tốt nghiệp trung học, mục tiêu duy nhất của chúng tôi là được tham dự Thế vận hội. Nếu không đạt được, chúng tôi thường trở lại cuộc sống bình thường với một số nghề liên quan đến thể thao hoặc kinh doanh", Tran nói.
Li Wenwen của Trung Quốc phá kỷ lục Olympic hạng cân +87 kg bằng cách nâng mức tạ 140 kg tại Thế vận hội Tokyo. Ảnh: VCG.
Khi Trung Quốc quay trở lại Thế vận hội mùa hè năm 1984, chính quyền bắt đầu đầu tư tiền vào các chương trình thể thao quốc gia, bao gồm cả việc đầu tư vào nhiều trường thể thao hơn.
Năm 1988, ước tính sau khi đầu tư 260 triệu USD, Trung Quốc đã giành được 28 huy chương tại Thế vận hội Seoul, nhiều VĐV trẻ hơn đã tham gia hệ thống. Tại Barcelona 4 năm sau đó, nước này tăng gần gấp đôi số huy chương của mình, leo lên vị trí thứ 4 bảng tổng sắp.
Trước Rio 2016, ước tính có hơn 400.000 trẻ em được ghi danh vào các trường đào tạo Olympic, theo chương trình tuyển dụng và đào tạo hàng loạt lớn nhất thế giới. Hơn 95% nhà vô địch quốc gia của Trung Quốc đến từ các trại thể thao ưu tú như Viện Giáo dục Thể chất Vũ Hán và Trường Thể thao Chen Jinglun ở Hàng Châu.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1 trên 8 em có thể vào được đội tuyển cấp tỉnh và chỉ 1/3 trong số đó sẽ vào được cấp quốc gia.
Đối với việc trở thành VĐV Olympic, trong số 900 trẻ vị thành niên tham gia trường thể thao, chỉ có một em đạt đến đỉnh cao của thể thao.
Tại Olympic Paris 2024, Shi Zhiyong và Li Fabin của Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ huy chương vàng ở hạng cân 73 kg và 61 kg nam. Liu Huanhua sẽ thi đấu ở hạng cân 102 kg và được dự đoán là người đàn ông Trung Quốc đầu tiên ở hạng cân nặng hơn giành được vị trí trên bục vinh quang sau 30 năm.
Nhưng trong môn cử tạ Trung Quốc, phụ nữ mới là người thống trị. Li Wenwen không chỉ giành chiến thắng ở Tokyo mà còn là nhà vô địch thế giới hai lần và vô địch châu Á 3 lần ở hạng cân 87 kg.
Li sẽ tham gia cùng nhà vô địch Olympic hạng cân 49 kg Hou Zhihui và nhà vô địch thế giới hạng cân 59 kg Luo Shifang.