Bộ Tài chính vừa đề xuất cân nhắc việc không tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước do lo ngại việc này có thể vi phạm cam kết quốc tế. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm của dư luận vì trực tiếp tác động đến chi phí mua ô tô.Về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại, Bộ Công Thương.
PV: Theo ông, liệu việc "không giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước" có đúng thời điểm hay không? Ông có dự đoán nào về tác động của việc này?
TS. Lê Quốc Phương: Tháng 6/2024, trong bối cảnh kinh tế nước ta vẫn còn khó khăn, nhu cầu trong nước thấp, doanh số bán ô tô bị sụt giảm, Bộ Tài chính có đưa ra đề xuất sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước từ ngày 1/8 đến hết năm 2024, nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo đà phục hồi cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Tuy nhiên, tại tờ trình mới nhất tháng 7/2024, Bộ Tài chính cho biết, có một số bộ, ngành có ý kiến về việc nếu tiếp tục giảm về phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước thì sẽ vi phạm cam kết quốc tế và dẫn đến nguy cơ bị xử phạt do vi phạm.Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đương nhiên, đề nghị này sẽ khiến thị trường ô tô sản xuất trong nước sẽ tiếp tục trầm lắng.
PV: Có những lo ngại về việc vi phạm cam kết quốc tế nếu tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước, thậm chí là sự "trả đũa" từ một số thị trường. Vậy cần tính toán và xây dựng phương án trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Trước đây, để phục hồi sản xuất trong nước sau đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đang có ba đợt giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước và mỗi đợt kéo dài 6 tháng. Lưu ý một điều là chúng ta đã gia nhập WTO từ năm 2007 và chúng ta đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Và trong các hiệp định đó đều có yêu cầu là không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đối với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Do đó, nếu như chúng ta tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì sẽ bị coi là vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà ta đã tham gia và sẽ bị các đối tác trả đũa. Do vậy, chúng ta cần có phương án ứng phó một cách chủ động.
Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với yếu tố lắp rắp trong nước thì theo quy định của WTO và các FTA, chúng ta cũng phải giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu. Nhưng mà điều này sẽ khiến cho ô tô nhập khẩu tăng mạnh, gây khó khăn cho ngành sản xuất ô tô trong nước.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý là giảm lệ phí trước bạ chỉ là chính sách ngắn hạn và đề xuất tháng 6 vừa rồi chỉ áp dụng trong 6 tháng, cho nên thị trường ô tô nếu khởi sắc thì cũng chỉ trong thời gian rất ngắn. Ngoài ra thì điều đó tạo ra cái tâm lý cho người tiêu dùng là luôn chờ đợi chính sách giảm về phí trước bạ. Do đó, thay vì các chính sách kích cầu ngắn hạn như vậy, theo tôi là chúng ta nên có các phương án chính sách dài hơn, bền vững hơn, thúc đẩy ngành sản xuất ô tô được lâu dài hơn.
Thứ nhất là Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô. Từ đó gia tăng được sản xuất các linh phụ kiện ở trong nước, tăng được tỷ lệ nội địa hóa và từ đó giảm được giá xe sản xuất trong nước.
Chính sách thứ hai là chúng ta cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay tương đối cao, nó sẽ giúp hạ giá ô tô.
PV: Theo ông, không tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước có phải một phần trong quá trình tiến tới chuyển đổi loại hình phương tiện sang nhiên liệu sạch hay không?
TS. Lê Quốc Phương: Chúng ta đã đưa ra cam kết với thế giới là sẽ đưa lượng phát thải khí nhà kính về 0 - Net Zero vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này thì có rất nhiều việc phải làm, nhưng trong đó có một việc cũng rất quan trọng, đó là chuyển các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường sang nhiên liệu sạch. Nhưng mà trong khi đó, hầu hết các ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chúng ta hiện nay là xe chạy xăng dầu.
Do đó, nếu như chúng ta vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô láp ráp trong nước hiện nay, tức là chủ yếu sẽ khuyến khích sản xuất xe chạy xăng dầu. Do vậy, tôi cho rằng chính sách khuyến khích sản xuất ô tô trong nước thì nên tập trung vào xe nhiên liệu sạch.
Những biện pháp để khuyến khích cũng như đã nêu ở trên, tức là khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô nhiên liệu sạch, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhiên liệu sạch, giảm phí tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe nhiên liệu sạch.”
PV: Xin cảm ơn ông!
|