Mỗi khi máy bay cất cánh và hạ cánh, các hành khách luôn được thông báo "Tắt điện thoại", "không sử dụng điện thoại" từ các tiếp viên và phi hành đoàn. Bạn có biết lý do vì sao?
Trên các chuyến bay, quá trình chuẩn bị cất cánh và hạ cánh là 2 giai đoạn quan trọng hàng đầu để đảm bảo một chặng bay an toàn. Đây chính là thời điểm mà phi hành đoàn phải phối hợp nhịp nhàng với đài không lưu chịu trách nhiệm kiểm soát việc lưu thông của máy bay trong khu vực sân bay và vùng phụ cận sân bay, người, xe cộ và các phương tiện hoạt động trên khu hoạt động. Tuy nhiên, nếu như các thiết bị di dộng chưa được tắt sóng có thể gây nhiễu liên lạc giữa phi công và trạm kiểm soát không lưu, tạo ra tiếng "tít tít" can thiệp vào thông tin truyền đạt.
Qua đó, có thể dẫn đến những tình huống xấu, nguy hiểm xảy ra nếu như các thông tin không được truyền đi chính xác. Đó là chưa kể đến việc làm ảnh hưởng đến sự tập trung của cơ trưởng và đội ngũ phi hành đoàn - những người vận hàng và đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình.
Hai thời điểm máy bay cất cánh và hạ cánh là cực kỳ quan trọng và việc hành khách sử dụng thiết bị di động rất có thể sẽ gây nhiễu liên lạc giữa phi công và trạm kiểm soát không lưu
Vào tháng 7/2020, Cục hàng không Việt Nam cũng đã hành động quyết liệt, xử phạt một nữ hành khách 25 tuổi từ Thái Nguyên 4 triệu đồng và cấm bay 12 tháng do sử dụng điện thoại khi máy bay chuẩn bị cất cánh, vi phạm quy định an toàn hàng không. Ngoài ra, Cục hàng không cũng đã yêu cầu các hãng hàng không tăng cường nhắc nhở hành khách về việc không sử dụng thiết bị thu phát sóng trong những giai đoạn quan trọng của chuyến bay.
Các chuyên gia hàng không khẳng định rằng việc sử dụng điện thoại trong những lúc này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong khoảng thời gian nguy hiểm 15-20 phút để đạt độ cao 3.000m.
Để đảm bảo an toàn, người dùng nên tắt hoàn toàn các thiết bị di động hoặc bật "chế độ máy bay" trong suốt chuyến bay
Nhiều nguồn tin và báo cáo cũng chỉ ra rằng sự can thiệp từ tín hiệu điện thoại có thể gây hỏng hệ thống dẫn đường và hạ cánh của máy bay. Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, hơn 1.300 máy bay phản lực có thiết bị trong buồng lái dễ bị nhiễu bởi tín hiệu từ thiết bị di động. Ngoài ra, từ năm 2003 đến 2009, đã có 75 vụ việc liên quan đến tín hiệu điện thoại gây ảnh hưởng đến hệ thống không lưu, trong đó có 26 trường hợp nghiêm trọng.
Trong đó, trường hợp đầu tiên là vụ rơi máy bay Crossair tại Thụy Sĩ vào năm 2000. Vụ thứ 2 là sự kiện rơi máy bay tại Christchurch, New Zealand vào năm 2003 là 2 sự cố máy bay nghiêm trọng liên quan đến sóng điện thoại di động.
Do đó, việc tắt hoàn toàn các thiết bị điện tử khi máy bay cất và hạ cánh, và chỉ sử dụng chúng ở "chế độ máy bay" trong suốt chuyến bay là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả hành khách và chuyến bay.
VietBF@sưu tập