Biến động chính trị tại Mỹ kéo giá vàng tăng, trong khi Bitcoin hưởng lợi khi ông Donald Trump được đánh giá có khả năng thắng cử cao hơn.
Mở cửa phiên giao dịch 22/7, vàng thế giới giao ngay tăng 6 USD, lên 2.406 USD một ounce. Kim loại quý tăng giá do nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư khi bất ổn tại cuộc bầu cử ở Mỹ lên cao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/7 thông báo chấm dứt tranh cử tổng thống "vì lợi ích cao nhất của đất nước". Ông cũng ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris làm ứng viên của đảng Dân chủ.
Giá Bitcoin sáng nay lên cao nhất một tháng. Đồ thị: CoinDesk
Giá Bitcoin sáng 22/7 cũng có thời điểm tiến sát 68.500 USD một đồng. Đây là mức cao nhất một tháng. "Diễn biến này phản ánh quan điểm của nhà đầu tư rằng bà Harris không thể đánh bại ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Triển vọng của Bitcoin rất sáng sủa vì Trump có lập trường thân thiện với tiền số", Tony Sycamore - nhà phân tích thị trường tại IG Australia giải thích.
Tuần trước, giá tiền số lớn nhất thế giới cũng lên cao nhất 2 tuần sau vụ Trump bị ám sát hụt. Nguyên nhân vẫn là nhà đầu tư đánh giá sự việc này giúp ông có cơ hội thắng cử cao hơn.
Trong khi đó, Dollar Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - sáng nay gần như không biến động. Chỉ số này giảm 0,04% so với cuối tuần trước. So với yen, USD hạ 0,08%, xuống 157,3 yen một đôla Mỹ. Euro cũng tăng giá 0,1%, lên 1,08 USD một EUR.
Dù vậy, Joseph Capurso - chiến lược gia tại Commonwealth Bank of Australia -cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá phản ứng của đồng đôla. "Mấu chốt sẽ là kết quả thăm dò cử tri công bố trong tuần này", ông nói. Nếu Trump có cơ hội thắng cử cao hơn, USD sẽ mạnh lên và ngược lại.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đi lên, do nhà đầu tư cho rằng các chính sách kinh tế của ông Trump sẽ khiến lạm phát và khối nợ của Mỹ tăng tốc. Các cam kết tăng thuế nhập khẩu của cựu tổng thống có thể kéo giá cả lên cao. Trong khi đó, quan điểm hạn chế nhập cư sẽ khiến thị trường lao động Mỹ càng thắt chặt, gây thêm sức ép tăng lương. Các chỉ số tương lai trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng. Cả S&P 500, DJIA và Nasdaq 100 tương lai sáng nay đều lên thêm 0,1%.
Ở châu Á, chỉ số chứng khoán tại các thị trường lớn hiện đi xuống. Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,97%. Kospi (Hàn Quốc) mất 1,4%. Shanghai Composite (Trung Quốc) hạ 0,9% và Hang Seng (Hong Kong) là 0,3%.
Tuần này, thế giới sẽ đón nhận nhiều thông tin khác có khả năng ảnh hưởng đến thị trường. Đó là báo cáo tài chính quý II của các công ty lớn, như Tesla, Alphabet hay General Electric. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - cũng được công bố.
Sáng nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ hàng loạt lãi suất tham chiếu ngắn hạn và dài hạn thêm 10 điểm cơ bản (0,1%), nhằm kích thích tăng trưởng. Giá nhân dân tệ gần như không biến động sau thông tin này.