Trong dữ liệu ảnh, có một chiếc áo khoác mùa đông được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc rất nhiều lần, qua rất nhiều năm.
Không rõ chiếc áo khoác ấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc từ năm nào, nhưng trong tấm hình nhà báo Đà Trang chụp ngày 9/2/2016 (tức mùng 2 Tết Bính Thân) khi đưa thân phụ là nhà báo Dương Đức Quảng đến chúc tết người bạn học - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tấm áo lúc đó đã sờn cũ, cổ tay có vết sứt chỉ.
Cũng tấm áo đó, qua các kỳ mùa đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mặc trong những chuyến thăm, làm việc và gặp gỡ người dân ở các tỉnh, thành.
Có lần Tổng Bí thư mặc trong chuyến công tác đến xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, vào tháng 2/2018.
Có lần thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc trong sự kiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ngày 14/11/2021.
Tiếp đến, một ngày mùa đông đầu năm 2023, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mặc chiếc áo khoác sờn cũ ấy, gần gũi, tươi cười trong tấm hình chụp với người dân và công nhân sản xuất chè, ngày 10/1/2023.
Và những ngày đông rét cuối năm 2023, đó cũng là lần cuối cùng thấy tấm áo sờn cũ ấy trong tấm hình chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 22/11/2023.
Khi trả lời phỏng vấn VietNamNet, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cực kỳ mẫu mực, là tấm gương đạo đức trong sạch và hết sức giản dị.
“Tôi biết, cái kính mà Tổng Bí thư dùng có lẽ cũng mấy chục năm không thay. Hay cái cặp làm việc, Tổng Bí thư dùng hết năm này qua năm khác, mặc dù đã cũ, bạc màu nhưng vẫn không thay”, ông Phạm Quang Nghị nói.
Và nhắc đến những chiếc áo, ông Phạm Quang Nghị nhớ lại: “Cái áo khoác, áo sơ mi từ thời tôi làm việc, đến giờ nhìn trên tivi tôi vẫn thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc”.
Đã 4 ngày sau thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào hồi 13h38 ngày 19/07/2024, trên một số nền tảng, ngày càng nhiều hình ảnh về ông, giọng nói của ông được mọi người đưa lại.
“Cái quý nhất trên đời là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn bị mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Và giờ, khi đã nhắm mắt xuôi tay, ông có thể tự hào về tình cảm của người dân khắp nơi dành cho ông.
Trong bữa cơm của gia đình, đã có những người rơi nước mắt khi nghe chuyện về ông, dù họ chỉ gặp ông qua truyền hình.
Trong cả ngàn ý kiến, dòng trạng thái những ngày qua viết về ông, tất cả đều bày tỏ xót thương, trong đó có những người còn đau với nỗi đau như mất đi người thân thuộc của chính mình.
Một vài ngày và một vài người chắc chắn không thể nói đầy đủ những đóng góp của ông cho dân, cho nước. Ông ra đi, nhưng tình cảm người dân dành cho ông vẫn còn đó – một Tổng Bí thư một đời thanh bạch, sống và làm trọn vẹn như lời ông từng nói: "Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Hay nói như nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Nói một cách khái quát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người suốt đời, cho tới hơi thở cuối cùng đã hiến dâng cho đất nước, vì Đảng, vì dân”.