Các gia tộc giàu nhất Hàn Quốc đang tiến gần hơn đến việc được giảm mức thuế thừa kế gây tranh cãi, vốn thuộc hàng cao nhất thế giới.
Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Hàn Quốc hôm 25-7 cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol có kế hoạch hạ trần thuế thừa kế từ 50% xuống 40% và bãi bỏ quy định yêu cầu chủ sở hữu tài sản trả thêm chi phí.
Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đánh thuế thừa kế lên tới 60% đối với các cổ đông nắm quyền kiểm soát của các tập đoàn lớn như Samsung Electronics.
Mục đích ra đời của khoản thuế được mệnh danh "thuế tử thần" này là nhằm ngăn chặn các gia tộc giàu có đang điều hành các tập đoàn lớn của quốc gia (được gọi là chaebol) truyền lại tài sản của họ và duy trì những gì mà các nhà phê bình cho là có ảnh hưởng không cân xứng đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, khoản thuế này không được lòng các nhà đầu tư bán lẻ Hàn Quốc vì các cổ đông nắm quyền kiểm soát được khuyến khích giữ giá cổ phiếu ở mức thấp.
Nếu được Quốc hội do phe đối lập kiểm soát chấp thuận, đề xuất trên sẽ đánh dấu lần giảm thuế thừa kế đầu tiên của Seoul kể từ năm 1995.
Ông Vikas Pershad, giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu châu Á tại M&G Investments (Singapore), nói: “Những người hưởng lợi trước mắt là các cổ đông nắm quyền kiểm soát của những tập đoàn lớn như Samsung và Huyndai. Họ sẽ thấy gánh nặng thuế thừa kế giảm đáng kể”.
Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế thừa kế “dự kiến kích thích đầu tư vào thị trường chứng khoán, có khả năng dẫn đến tăng tính thanh khoản và định giá cao hơn cho các tập đoàn Hàn Quốc”.
Thuế thừa kế khiến nhiều gia tộc giàu nhất Hàn Quốc bị tổn thất tài chính.Vào năm 2021, những người thừa kế của cố Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee (có tài sản ước tính khoảng 20,7 tỉ USD khi ông qua đời vào tháng 10-2020) phải gánh khoản thuế hơn 12.000 tỉ won (hơn 8,6 tỉ USD).
Gia đình Lee đã công bố kế hoạch thanh toán thành 6 đợt trong vòng 5 năm, bao gồm quyên góp 1.000 tỉ won cho các cơ sở y tế và khoảng 23.000 tác phẩm nghệ thuật.
Gia đình Lee cũng tăng các khoản vay được đảm bảo bằng cổ phiếu để trang trải chi phí và tránh phải nhượng lại quyền kiểm soát tập đoàn.
|