Bác sĩ cho biết một số thói quen ăn uống bất hợp lý có thể gây tổn hại sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc suy thận.
Mới đây, một người đàn ông 30 tuổi ở Thiên Tân, Trung Quốc đã phải nhập viện cấp cứu trong đêm vì lưng đau dữ dội và ngón chân đau bất thường.
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện người đàn ông có một số hạt nhô ra ở đầu ngón chân nghi ngờ là dấu hiệu của bệnh gút. Bác sĩ lập tức tiến hành xét nghiệm axit uric cho người đàn ông.
Kết quả cho thấy nồng độ axit uric trong cơ thể bệnh nhân cao tới 810mmol/L. Bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân bị tổn thương thận nghiêm trọng. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong vì suy thận ngay sau đó.
Gia đình bệnh nhân chia sẻ, trong một lần khám sức khỏe tổng quát trước đó, bệnh nhân từng được chẩn đoán nồng độ axit uric trong máu cao. Bác sĩ khuyên người đàn ông nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống người tuy nhiên anh không quá bận tâm đến lời nhắc nhở của bác sĩ. Sau đó, người đàn ông vẫn tiếp tục duy trì thói quen ăn hải sản và uống rượu bia vào mỗi buổi tối sau đó đi ngủ.
Bác sĩ cho biết, hải sản và rượu bia đều rất giàu purin, có khả năng chuyển hóa thành axit uric và gây hại cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Axit uric được đào thải ra bên ngoài cơ thể qua đường nước tiểu (khoảng 80%) và đào thải một phần qua đường tiêu hóa và mồ hôi (khoảng 20%).
Nồng độ axit uric trong máu tăng cao trong thời gian dài không chỉ dẫn tới bệnh gút, mà còn có thể gây tổn thương thận. Theo đó, nồng độ axit uric tăng cao trong thời gian dài có thể làm hình thành tinh thể muối urat. Tinh thể muối urat có thể lắng đọng tại các tổ chức thận gây tổn thương trực tiếp cầu thận, ống thận,... dẫn đến tình trạng viêm thận hoặc hình thành sỏi thận. Các vấn đề về thận nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy thận.
Thói quen ăn hải sản và uống rượu bia vào buổi tối có thể khiến nồng độ axit uric tăng cao, gây tổn thương thận. (Ảnh minh họa)
Phòng ngừa axit uric tăng cao và bảo vệ thận
1. Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh
Để phòng ngừa axit uric tăng cao, mọi người cần hạn chế ăn quá nhiều các thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như thịt đỏ, hải sản có vỏ, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, không lạm dụng rượu bia. Thay vào đó, mọi người nên ăn đa dạng các loại rau, củ, quả giàu chất dinh dưỡng có lợi để giảm nồng độ axit uric trong cơ thể và bảo vệ chức năng thận.
2. Tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thừa cân, béo phì có thể gây ra các vấn đề về rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp và cholesterol và làm tăng axit uric trong cơ thể. Do đó, bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, mọi người cũng cần tăng cường tập thể dục để duy trì cân nặng ổn định.
Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường chức năng thận và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.