Khô miệng, khát quá mức, đau đầu, ngứa ran tứ chi là một số biểu hiện đặc trưng của bệnh tiểu đường, đặc biệt rõ ràng hơn vào buổi sáng.
Tăng đường huyết buổi sáng: Theo India Times, tăng đường huyết buổi sáng, thường được gọi là hiệu ứng Somogyi hay "hiện tượng bình minh", xảy ra khi lượng đường trong máu tăng đáng kể vào những giờ sáng sớm, thường là từ 4h đến 8h sáng. Điều này xảy ra do nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể làm tăng sản xuất glucose và một số hormone nhất định như cortisol và hormone tăng trưởng. Những hormone này có thể gây kháng insulin, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn khi thức dậy. Ảnh: Freepik.
Khát quá mức: Một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là khát nước quá mức, được y học gọi là chứng khát nhiều, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh (NHS). Những người mắc bệnh tiểu đường thường thức dậy với cảm giác cực kỳ khát nước vì cơ thể họ đang cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu cao. Thận làm việc nhiều hơn để lọc và hấp thụ lượng glucose dư thừa, quá trình này đòi hỏi nhiều chất lỏng, dẫn đến mất nước và tăng cảm giác khát.
Đi tiểu thường xuyên: Đi tiểu thường xuyên, hay đa niệu, là dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường, đặc biệt dễ nhận thấy vào ban đêm và sáng sớm. Theo Cleveland Clinic, lượng đường trong máu cao khiến thận lọc ra nhiều glucose hơn, kéo theo nước, dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, khiến bàng quang đầy nước vào buổi sáng.
Mệt mỏi buổi sáng: Mệt mỏi dai dẳng khi thức dậy có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, theo India Times. Lượng đường trong máu cao có thể ngăn cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, đi tiểu thường xuyên vào ban đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ, góp phần gây mệt mỏi vào buổi sáng và cảm giác kiệt sức nói chung.
Đau đầu: Những cơn đau đầu này có thể là do lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) xảy ra qua đêm. Theo khuyến cáo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh (NHS), kiểm soát lượng đường trong máu hợp lý có thể giúp giảm bớt vấn đề này. Khô miệng: Theo Express, thức dậy với tình trạng khô miệng là dấu hiệu tiềm ẩn khác của bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến mất nước vì cơ thể sử dụng nhiều chất lỏng hơn để loại bỏ lượng glucose dư thừa. Điều này có thể dẫn đến khô miệng, đặc biệt đáng chú ý vào buổi sáng.
Ngứa ran hoặc tê ở tứ chi: Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở tay hoặc chân vào buổi sáng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thần kinh tiểu đường - tình trạng do lượng đường trong máu cao kéo dài làm tổn thương dây thần kinh. Theo India Times, triệu chứng này có thể dễ nhận thấy hơn khi thức dậy do áp lực kéo dài lên một số dây thần kinh trong khi ngủ.
VietBF@ sưu tập