Ngày thi đấu cuối của những nội dung bơi truyền thống Olympic Paris 2024 chứng kiến sự quật cường của các kình ngư Mỹ khi giành được 2 huy chương vàng.
Bobby Finke giành HCV nội dung 1.500 mét tự do nam.
Nội dung 1.500 mét tự do nam, Bobby Finke về nhất sau 14 phút 30 giây 67, phá kỷ lục thế giới. Như vậy, sau khi để mất HCV ở nội dung 800 mét tự do, tay bơi người Mỹ phần nào gỡ gạc lại thể diện.
Tại Olympic Tokyo 2020, Bobby Finke giành cả hai HCV với những nội dung 800 mét và 1.500 mét tự do.
Đến nội dung 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức nữ, Regan Smith, Lilly King, Gretchen Walsh và Torri Huske tiếp tục thiết lập kỷ lục thế giới với thời gian 3 phút 46 giây 63, đồng thời giành HCV. Quan trọng hơn, các cô gái Mỹ đánh bại đại kình địch Australia.
Chiến thắng nội dung 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức nữ cũng giúp đoàn bơi lội Mỹ có HCV thứ 8 tại Olympic Paris 2024, theo đó vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Với 7 HCV, đội bơi Australia xếp thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương nội dung bơi.
Khép lại những nội dung bơi truyền thống của Thế vận hội, đội bơi Mỹ vẫn là số 1. Tuy nhiên, đây lại là kỳ Olympic chứng kiến tổng số HCV thấp nhất của họ kể từ Thế vận hội Seoul năm 1988.
Để so sánh, thành tích của đội bơi Mỹ sụt giảm khá nhiều so với Olympic Tokyo 2020, giải đấu các kình ngư Mỹ mang về 11 HCV cho đoàn thể thao nước nhà. Hay như tại Olympic Rio 2016, đội bơi Mỹ giành tới 16 HCV, bỏ xa đội Australia - xếp thứ hai - chỉ giành được 3 HCV.
Nội dung 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức nữ, chiến thắng thuộc về các tay bơi Mỹ.
Giới chuyên môn cho rằng sự sa sút của bơi lội Mỹ đến từ việc không có ngôi sao nào cho thấy màn trình diễn vượt trội phần còn lại. Điểm sáng duy nhất đến từ nữ kình ngư Katie Ledecky, người giành 2 HCV ở các nội dung 800 mét và 1.500 mét tự do. Dù vậy, tay bơi 27 tuổi lại thất bại ở các nội dung 4x200 mét tự do và 400 mét tự do.
Caeleb Dressel, nam kình ngư từng giành 5 HCV tại Olympic Tokyo 2020, cũng không có giải đấu quá thành công mỹ mãn. Dù giành được 2 HCV ở Olympic Paris 2024, đó lại là những nội dung đồng đội. Trong khi đó, với các nội dung như bơi ếch, bướm, ngửa..., không có tay bơi nam của Mỹ nào ca khúc khải hoàn.
Niềm an ủi khác cho đội bơi Mỹ đến từ việc có 3 lần họ phá kỷ lục thế giới, ở nội dung 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức nam, 1.500 mét tự do nam và 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức nữ.
VietBF@ sưu tập