Ở Mỹ, mua sắm không cần phải trả giá vì giá cả được ghi rõ ràng, chỉ có điều là giá nào cũng có 9 xu ở con số cuối. Thay vì 10 đồng, người ta để 9,99 để người mua có cảm giác là rẻ hơn. Vấn đề ở chỗ là 1 xu họ cũng thối, cho dù 1 xu chẳng mua được thứ gì cả, do vậy mà thỉnh thoảng, ở một số quầy hàng, họ bỏ một cái hủ đựng tiền 1 xu với tấm bảng “If you have one give one, if you need one take one,” có nghĩa là “Nếu bạn có một thì cho một, nếu bạn cần một thì lấy một.” Hệ thống tự giác này rất hay, vì nhiều lúc mua đồ, thiếu chỉ có 1 xu mà lại phải đưa 1 đồng ra để lấy một đống bạc cắc tiền thối rất khó chịu, mà dư một xu để trong túi rủng rỉnh cũng không làm được gì.
Chuyện dư một cho một, thiếu một lấy một không phải chỉ nói đến một đồng xu Mỹ mà nó còn có hàm ý đến nhiều thứ khác mà vạn vật cùng chia sẻ trong cuộc sống. Cho và nhận xảy ra từ ngay lúc chúng ta lọt lòng mẹ. Sinh ra đời là đã phải mang nợ mẹ cha, bà mụ, y tá, bác sĩ, cô dì chú bác cậu mợ, ông bà... không thể nào nói phủi là tôi chưa nhận của ai hay nợ của ai bất cứ một điều gì. Mặt trăng mà còn nợ màn đêm để toả sáng nữa là.
Cho cũng phải cho cho đúng cách, và nhận cũng phải nhận cho đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, đúng lý do. Cho làm sao để người nhận không bị tủi thân, đau khổ vì cái cho của mình, và nhận như thế nào để cái nhận của mình là cái nhận cần thiết chứ không phải nhận vì tham lam, gian lận, tật đố.
Bắt đầu từ năm mẫu giáo, các em học sinh ở Mỹ đều được dạy cách chia sẻ, dạy cách giúp đỡ người nghèo khó, yếu đuối, bất hạnh. Mỗi năm vào mùa lễ Giáng Sinh, các em học sinh phổ thông đều được kêu gọi mang những lon thức ăn đến trường để giúp cho những người đói khát trên thế giới. Khi các lon thức ăn được mang đến lớp, các em ̉bỏ vào thùng quyên góp chung của cả lớp một cách thầm lặng, có nhiều thì cho nhiều, có ít thì cho ít, không có thì không cần phải cho, vấn đề quan trọng là cho bằng tấm lòng, cho bằng sự yêu thương, tuyệt đối không có sự ca ngợi hay tuyên dương ai cho nhiều, không chê bai ai cho ít, không xem thường ai không có để mà cho.
Nhưng cho thấy vậy chứ dễ hơn nhận nhiều, vì khi nhận, người ta phải biết cất đi cái tôi của mình, khi những nỗi tự ái, tự ti, mặc cảm, tủi thân, muộn phiền trong tâm đua nhau trỗi dậy. Do đó mà khi làm người cho, nên thận trọng đừng chà đạp nhân phẩm và lòng tự trọng của người chịu nhận, đừng bắt họ phải đứng ra chụp hình, quay phim để tô son đánh phấn cho mình khi mình làm “từ thiện.” Giữa cơn đại dịch, chính phủ Mỹ ra nhiều chương trình trợ cấp giúp đỡ những người đang gặp khó khăn vì mất việc làm. Các chương trình trợ cấp này đều nhận đơn qua hệ thống mạng lưới điện toán hoặc điện thoại để những người trước nay chưa từng nhận trợ cấp có thể nộp ̣đơn xin trợ cấp một cách kín đáo để lòng tự trọng của họ không bị tổn thương.
Những tháng qua, các trường phổ thông trung học, tiểu học ở Hoa Kỳ đều phát thức ăn cho tất cả các em học sinh mang về nhà, bất luận hoàn cảnh gia đình như thế nào. Mình phải dạy cho các con mình biết nhận. Nhận trong khi nhà mình vẫn có thức ăn vào lúc này không phải là tham lam, mà là để giúp các bạn khác có gia đình đang gặp khó khăn không bị mặc cảm khi thấy mọi người đều nhận thức ăn mang về nhà giống như nhau. Do vậy mà nhận cũng là một kỹ năng cần phải học.
VietBF@sưu tập