Hoa đậu biếc là một trong những nguyên liệu tạo màu tự nhiên cho thực phẩm được nhiều người yêu thích. Từ một loại hoa, bạn có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau cho món ăn, có thể là màu xanh hoặc màu tím, tùy theo cách chế biến.
Hoa đậu biếc còn được gọi là bông biếc, đậu hoa tím. Đây là loại cây thân thảo, le, sống nhiều năm. Hoa của cây có màu xanh tím, xanh lam đậm... Cây hoa đậu biếc có thể trồng ở nhiều nơi như ban công, hàng rào, trồng thành giàn làm cảnh.
Theo y học cổ truyền, hoa đậu biếc có tác dụng an thần, giảm lo lâu, ngừa trầm cảm. Nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng hoa đậu biếc có chứa nhiều chất chống oxy hóa, mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe.
Hoa đậu biếc có thể sử dụng để pha trà, pha nước uống hoặc dùng để tạo màu cho các món ăn. Mặc dù cây hoa đậu biếc có nhiều công dụng như trồng làm cảnh, lấy hoa dùng trong thực phẩm nhưng khi dùng mọi người nên thận trọng để tránh gây ngộ độc. Trên cây hoa đậu biếc, có 2 bộ phận có chứa độc tố mà mọi người nhất định phải biết để tránh.
2 bộ phận của cây hoa đậu biếc có thể gây ngộ độc
Thạc sĩ Lê Thanh Bình (Đại học Dược Hà Nội) cho biết khi dùng hoa đậu biếc, mọi người nên chú ý phần hạt và phần rễ của cây này có chứa chất độc.
Rễ cây đậu biếc có vị đắng, chát, chứa một lượng nhỏ chất độc. Phần rễ này thường được điều chế làm thuốc tẩy, thuốc xổ, thuốc trị côn trùng cắn, trị rắn cắn... Nó có thể gây ra tình trạng buồn nôn khi ăn phải.
Trong khi đó, hoa đậu biếc có chứa khoảng 12% chất dầu. Ăn phải hạt hoa đậu biếc có thể gây ra tình trạng nôn mửa, tiêu chảy nặng.
Rễ và hạt của cây hoa đậu biếc có chứa độc tố. Khi được sử dụng làm thuốc, dùng đúng liều lượng thì vẫn có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, các gia đình tuyệt đối không được tự ý sử dụng những nguyên liệu này.
Một số lưu ý khác khi sử dụng hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nó cũng chứa nhiều anthocyanin nên không được lạm dụng. Người khỏe mạnh chỉ nên dùng 1-2 ly trà hoa đậu biếc/ngày, liều lượng khoảng 5-10 bông hoa tươi hoặc 1-2 gram hoa khô.
Chất anthocyanin trong hoa đậu biếc có tác dụng ức chế kết tụ tiểu cầu, tăng cường lưu thông máu, tăng co bóp tử cung. Vì vậy, trong một số trường hợp như phụ nữ mang thai, người đang sử dụng thuốc chống đông máu, người cao tuổi có bệnh mạn tính nên thận trọng khi sử dụng các thực phẩm có chứa anthocyanin.
|