Các nhà khoa học phát hiện con người già đi nhanh chóng ở tuổi 44, lần thứ hai ở tuổi 60, kéo theo các nguy cơ bệnh tật.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Aging, do các chuyên gia Đại học Stanford của Mỹ và Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore thực hiện. Họ đã theo dõi sức khỏe của 108 người trong vài năm để quan sát sự lão hóa, những thay đổi ở cấp độ phân tử (RNA, protein và hệ vi sinh vật) của họ.
Nghiên cứu tập trung vào các tình nguyện viên từ 25 đến 75 tuổi, kéo dài gần hai năm. Tất cả đều sống California, khỏe mạnh và đến từ nhiều chủng tộc khác nhau. Họ được thu thập mẫu máu, phân, da, dịch mũi và nước bọt ba đến 6 tháng một lần. Vì phụ nữ có thể lão hóa nhanh do mãn kinh (thường ở tuổi từ 45 đến 55), các chuyên gia đã phân tích tệp dữ liệu riêng của hai giới tính.
Họ phát hiện sự lão hóa của con người không xảy ra một cách ổn định, tuyến tính. Thay vào đó, phần lớn phân tử trong cơ thể có thay đổi phi tuyến tính, tăng tốc lão hóa ở độ tuổi 44 và 60.
Xiaotao Shen, trợ lý giáo sư về y học vi sinh vật tại Đại học Công nghệ Nanyang giải thích: "Chúng ta không già đi một cách từ từ. Có một số thời điểm được coi là then chốt trong quá trình lão hóa".
Chẳng hạn, khả năng chuyển hóa caffeine ở người giảm đáng kể lần đầu vào khoảng 40 tuổi, lần thứ hai vào 60 tuổi. Khả năng chuyển hóa rượu cũng giảm, đặc biệt ở độ tuổi 40, theo Michael Snyder, chủ tịch khoa di truyền tại Đại học Stanford, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Thông thường, ở tuổi 40, nhiều người phát triển các chấn thương cơ không thể hồi phục hoặc bị tích tụ mỡ. Đến 60 tuổi, các tình trạng này sẽ diễn tiến thành tiêu cơ (sarcopenia). Cả hai nhóm tuổi, cơ thể đều trải qua những thay đổi về protein, điều này giải thích cho những vấn đề về da, tim mạch.
Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng nhanh hơn, đặc biệt sau tuổi 60. Nghiên cứu cho thấy những người từ 60 tuổi trở lên dễ mắc chứng rối loạn nhịp tim, vấn đề về thận và tiểu đường type 2.
Theo các chuyên gia, việc tìm ra mô hình lão hóa này có thể hỗ trợ chẩn đoán và phòng ngừa bệnh tật. Nghiên cứu cũng xác định "dấu hiệu lâm sàng" cho một số bệnh mạn tính thường phát triển khi con người già đi.
Trong một nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học Đức và Mỹ phát hiện "điểm bùng nổ lão hóa" là độ tuổi 75. Độ tuổi này nằm ngoài phạm vi của nghiên cứu mới.
Để có sức khỏe tốt, các chuyên gia khuyến nghị thay đổi lối sống, uống ít rượu, tập thể dục nhiều hơn khi chuẩn bị bước vào hai mốc lão hóa.
|