"Khi ba Ba Vân không hát nữa, cả tuồng đó phải bỏ vì không ai thế được vai của ba Ba Vân" – nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chia sẻ.
Mới đây, tại chương trình The Jimmy TV, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân – cô đào cải lương nổi tiếng thập niên 1970 đã chia sẻ về những huyền thoại trong nghề.
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân
Bà nói: "Nghệ sĩ Ba Vân được được gọi là quái kiệt trong nghề. Nhưng nếu gọi quái kiệt thì chưa hết được về tài năng của ba Ba Vân. Bình thường những nghệ sĩ cải lương khác khi hát một vai nào đó trong một vở tuồng đều phải ca nhiều câu vọng cổ. Có những vai phải ca từ đầu tới cuối tuồng.
Riêng ba Ba Vân lại có một biệt tài khiến ai cũng phải nể phục. Có một vở tuồng mà ba Ba Vân chỉ ca duy nhất hai chữ. Trong tuồng đó, ba đóng vai đứng hầu vua, vua truyền lệnh và nhân vật của ba chỉ đáp lại bằng hai chữ, không có chữ thứ ba.
Vậy mà khi ba Ba Vân không hát nữa, cả tuồng đó phải hủy vì không ai thế được vai của ba. Nghệ thuật khó ở chỗ đó, không phải thi xem ai ca dài hơn hay diễn sướt mướt.
Tiếp đó là chị ba Thanh Nga. Tôi học chị Thanh Nga rất nhiều, tới mức nhiễm chị từ hồi nào mà tôi không biết dù chị không phải thầy tôi. Vi hát chung nhiều tuồng với chị ba Thanh Nga nên có nhiều điều tôi rất nể và quý chị.
Ví dụ, khi khóc thì khóc ở ngoài cuộc sống khác hoàn toàn với khóc trên sân khấu. Ở ngoài đời, nếu khóc là khóc đến khi nào ngưng thì thôi, khóc cho thỏa lòng còn trên sân khấu phải vừa khóc vừa ca, khóc có thời lượng, khóc đúng cảnh.
Nếu diễn thật quá, nhập tâm quá, cảm xúc quá thì khi khóc sẽ không ngưng lại được, cũng không ca được. Vì thế, người nghệ sĩ giỏi là phải vừa khóc vừa ca được, khóc nhưng vẫn có tính nghệ thuật trong đó. Cái này tôi học được từ chị ba Thanh Nga.
Đối với tôi, đạo đức người nghệ sĩ rất quan trọng. Ai mà chẳng phải già, sức yếu, ca yếu đi, không còn hơi mà ca. Lúc trẻ hơi khỏe, muốn hát sao thì hát, luyến lên luyến xuống đều dễ dàng, ca một hơi vài chục chữ là bình thường. Vậy thì khi lớn tuổi rồi phải biết cách ca sao cho vừa sức mà vẫn hay. Cái này tôi học được ba Ba Vân".
VietBF@ Sưu tập