Bệnh "đổ mồ hôi Anh" khiến 15.000 người dân nước này tử vong trong vòng 6 tuần và biến mất một cách bí ẩn vào thế kỷ 16.
Bệnh tiến triển nhanh chóng, khiến nạn nhân qua đời một ngày, đôi khi là hai giờ sau khi gặp các triệu chứng đầu tiên. Chúng được các nhà khoa học gọi là bệnh "đổ mồ hôi Anh".
Căn bệnh xuất hiện lần đầu vào thời kỳ Tudor, biến mất năm 1551 sau khi gây ra 5 đợt bùng phát tàn khốc. Những ghi chép đương thời mô tả người bệnh có triệu chứng đau đầu dữ dội, ớn lạnh giống cúm và nhức chân tay. Tiếp theo, họ trải qua cơn sốt dữ dội, mạch không đều, tim đập nhanh. Cuối cùng, bệnh nhân tử vong do mất nước và kiệt sức.
Trận dịch tháng 10/1485 giết chết 15.000 người London trong vòng 6 tuần, khiến Vua Henry Tudor phải hoãn lễ đăng quang vì sợ bản thân cũng mắc phải căn bệnh đáng sợ này. Các đợt bùng phát tiếp theo xảy ra vào năm 1507, 1517, nghiêm trọng nhất là năm 1528. Sau đó, bệnh một lần nữa tái xuất cuối năm 1551 vào biến mất hoàn toàn.
Điều này khiến các nhà sử học và khoa học đặt ra câu hỏi quan trọng: "Bệnh đổ mồ hôi thực chất là gì?". Một ngành học thuật nhỏ phát triển để suy đoán về bản chất của bệnh.
Do "đổ mồ hôi Anh" có ít triệu chứng đặc biệt ngoài sốt dữ dội, các chuyên gia không có nhiều thông tin để tìm hiểu. Họ xem xét các loại bệnh phổ biến như cúm, sốt ban đỏ, bệnh than, sốt phát ban, virus đường ruột tương tự, song không có câu trả lời.
Đến năm 1993, khu vực Gallup, New Mexico, xảy ra đợt bùng phát tương tự, các bệnh nhân có triệu chứng gần giống với những người Anh năm 1485. Các nhà khoa học gọi đây là đợt dịch Four Corners theo tên khu vực phía tây nam Mỹ nơi nó xảy ra. Đồng thời, họ chú ý đến loại virus gây bệnh, gọi là Sin Nombre. Đây là một nhánh của hantavirus, từng lây lan tại châu Âu và gây ra hội chứng suy thận. Hantavirus cũng là "họ hàng" của một số loại virus sốt nhiệt đới lây truyền qua côn trùng.
Căn bệnh ở New Mexico sau này được đặt tên là hội chứng phổi hantavirus (HPS). Các chuyên gia chỉ ra sự tương đồng giữa triệu chứng của bệnh đổ mồ hôi và HPS. Đồng thời, họ chú ý đến một điểm đặc biệt, những người giàu có thời Tudor nhiều khả năng mắc chứng đổ mồ hôi Anh hơn.
Theo giới sử học, sau sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Hoa hồng, các thành phố ở Anh trải qua cơn sốt nhà ở. Nhiều hộ gia đình trung hoặc thượng lưu xây dựng các căn bếp lớn chứa đầy thực phẩm, tạo điều kiện cho chuột đến trú ngụ.
Thay vì cố gắng loại bỏ loài gặm nhấm này, nhiều người quản gia thời Tudor cẩn thận phủi sạch phân của chúng. Các nhà khoa học cho rằng điều này đã giải phóng đám bụi chứa hantavirus, gây ra bệnh đổ mồ hôi trên khắp nước Anh.
Bệnh đổ mồ hôi đã biến mất vào cuối thời Elizabeth, tức là kéo dài chưa đầy một thế kỷ, dù reo rắc nhiều nỗi kinh hoàng. Các nhà khoa học cho rằng virus có thể đã đột biến thành dạng ít độc lực hơn. Có lẽ trong quá trình này, nó lây truyền trong cộng đồng như một căn bệnh cúm lành tính. Giả thuyết thứ hai là bệnh đi ngược quỹ đạo tiến hóa, trở về với vật chủ gặm nhấm, làm giảm số lượng chuột xung quanh con người, từ đó biến mất. Khả năng thứ ba là sự thay đổi trong hệ sinh thái loài trước điều kiện thời tiết lạnh hơn ở châu Âu từ cuối thời Trung cổ khiến virus không còn nơi sinh sống.
|