Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận xung đột tại Gaza và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh toàn diện, nhưng đều đồng ý về tầm quan trọng của sự hợp tác khu vực.
Theo bình luận của tờ Arab News (Saudi Arabia), với tình hình căng thẳng đang leo thang ở Trung Đông, từ xung đột tại Gaza đến nguy cơ chiến tranh khu vực toàn diện, bất kỳ ai trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ đều sẽ đối mặt với những thách thức lớn về chính sách đối ngoại. Các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có quan điểm khác nhau về cách xử lý tình hình, nhưng đều chia sẻ mục tiêu chung là duy trì và củng cố quan hệ đối tác của Mỹ với các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.
Sự đồng thuận hiếm hoi về Saudi Arabia
Dù có những khác biệt về cách tiếp cận, cả hai ứng cử viên chính của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều coi Saudia Arabia là một đối tác chiến lược quan trọng. Cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt Saudi Arabia vào trung tâm chính sách Trung Đông của mình trong nhiệm kỳ từ 2017 đến 2021, coi đây là đồng minh chính chống lại ảnh hưởng của Iran. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cũng thừa nhận tầm quan trọng của Saudi Arabia trong cuộc chiến chống khủng bố và các lợi ích an ninh khác.
Norman Roule, cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, nhận định rằng sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, sẽ tiếp tục mang lại lợi ích chiến lược quan trọng. Quan hệ đối tác này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh, mà còn mở rộng sang thương mại, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ môi trường. Sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ về mối quan hệ này là một trong số ít những điểm chung, đặc biệt trong bối cảnh chính trị Mỹ ngày càng phân cực.
Khác biệt trong cách tiếp cận với xung đột ở Gaza
Mặc dù ủng hộ mạnh mẽ Israel, các ứng cử viên có những quan điểm khác nhau về cách xử lý xung đột tại Gaza. Ông Trump kêu gọi Israel nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự nhằm tránh gây tổn hại đến hình ảnh quốc tế của mình, trong khi bà Harris thể hiện sự cân bằng hơn khi vừa ủng hộ quyền tự vệ của Israel, vừa bày tỏ cảm thông với nỗi đau khổ của dân thường Palestine.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran ngày càng gia tăng, đặc biệt sau các vụ ám sát thủ lĩnh của Hamas và chỉ huy của Hezbollah, nguy cơ chiến tranh khu vực là mối lo ngại lớn đối với tất cả các ứng cử viên. Ông Trump và bà Harris đều bày tỏ mong muốn ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, nhưng chiến lược cụ thể để đạt được mục tiêu này vẫn còn mơ hồ.
Ông Trump cảnh báo rằng xung đột có thể kéo Mỹ vào kịch bản Chiến tranh Thế giới thứ ba, trong khi bà Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng. Mặc dù vậy, cả hai đều ủng hộ tiếp tục quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab, coi đó là một cách để giảm bớt căng thẳng và tạo ra sự ổn định lâu dài trong khu vực.
Các chuyên gia, trong đó có Joe Macaron từ Trung tâm Wilson, cho rằng chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải xác định rõ mục tiêu chiến lược của mình tại Trung Đông, thay vì chỉ phản ứng trước các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Cựu quan chức tình báo Mỹ Norman Roule nhấn mạnh rằng một chính sách đối ngoại hiệu quả của Washington ở Trung Đông cần phải có sự nhất quán, sự tham gia lưỡng đảng, và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực. Ông Roule cho rằng Mỹ phải làm rõ chính sách của mình sẽ mang lại lợi ích gì cho cả bản thân và các đối tác, đồng thời duy trì khả năng răn đe đối với các đối thủ trong khu vực.
Như vậy, với tình hình phức tạp và đầy thách thức tại Trung Đông, lập trường của các ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ. Dù có những khác biệt về chi tiết và chiến lược, mục tiêu chung của họ vẫn là bảo vệ lợi ích quốc gia, duy trì quan hệ đồng minh chiến lược, và ngăn chặn nguy cơ xung đột lớn hơn ở khu vực này.
VietBF@ sưu tập
|