Trong mùa mưa bão, ngoài việc chuẩn bị sẵn một số loại thực phẩm, các gia đình cũng cần chú ý chuẩn bị một vài loại thuốc cơ bản để bảo vệ sức khỏe.
Thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau
Trong mùa mưa bão, các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, sốt xuất huyết... có thể xảy ra. Triệu chứng phổ biến của các bệnh này là sốt, đau mỏi người.
Các gia đình nên dự phòng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol các liều cho trẻ nhỏ và người trưởng thành. Loại thuốc này có thể sử dụng trong trường hợp bị sốt cao, tránh tình trạng co giật và các biến chứng khác do sốt cao không kịp hạ gây ra. Liều lượng sử dụng với paracetamol là 10 - 15mg/1kg cân nặng. Thời gian sử dụng cách nhau từ 4-6 tiếng.
Ngoài ra, có thể chuẩn bị thêm một loại thuốc hạ sốt là ibuprofen. Loại này có thể sử dụng để hạ sốt, giảm đau, sốt do bệnh lý thông thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cần lưu ý, trẻ nhỏ bị hen suyễn, có vấn đề về gan thận, có nguy cơ chảy máu cao, bị các bệnh đường ruột, viêm ruột, viêm loét đại tràng, thủy đậu thì không được dùng thuốc ibuprofen.
Người bị sốt cần uống nhiều nước để tránh nguy cơ mất nước. Phải theo dõi diễn tiến của cơn sốt. Nếu sốt cao không hạ, không đáp ứng thuốc thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế.
Nhóm thuốc tiêu hóa
Sau các trận mưa bão, thực phẩm và nguồn nước có thể bị nhiễm khuẩn làm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa tăng lên, nhất là ở các vùng bị lũ lụt. Bệnh cũng hay gặp người già, trẻ nhỏ, người có hệ tiêu hóa kém. Các bệnh tiêu hóa thường gặp như thương hàn, tiêu chảy, tả lỵ, ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc từ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, E.coli hay Campylobacter.
Gia đình có thể dự phòng một số loại thuốc tiêu hóa thông thường như berberin (kháng sinh trị tiêu chảy có nguồn gốc thực vật); smecta hoặc loperamid 2mg. dung dịch bù điện giải oresol (gói bột hoặc pha sẵn).
Lưu ý, cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi sử dụng. Nếu thấy triệu chứng chuyển biến nặng như mất nước không bù được bằng đường uống, chất thải có lẫn dịch nhầy máu hồng, nôn mửa liên tục không cầm, đau bụng co thắt... thì cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Trong mùa mưa bão, bạn cần chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản để đề phòng các trường hợp cần sử dụng.
Thuốc bôi ngoài da
Nguồn nước có thể bị ô nhiễm sau mưa bão gây ra các bệnh ngoài da như nấm ăn chân, ghẻ lở, viêm nang lông... Các vết lở loét nếu không được điều trị kịp thời có thể lan rộng, gây ra nhiễm trùng.
Trong gia đình, nên có một số loại dung dịch sát khuẩn và thuốc bôi ngoài da như dung dịch cồn iod, nước oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B… Những loại thuốc này dùng để sát trùng sau khi lội nước hoặc tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Các loại thuốc bôi ngoài da có thành phần lành tính giúp làm dịu, làm ẩm da, làm vết loét mau lành.
Thuốc nhỏ mắt
Các bệnh về mắt cũng có thể bùng phát sau các đợt mưa lũ do nguồn nước bị ô nhiễm. Một trong những bệnh về mắt thường gặp sau mưa lũ là đau mắt đỏ. Bệnh này có thể dẫn tới các biến chứng như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm... Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể để lại sẹo, làm giảm thị lực, thậm chí dẫn tới mùa lòa.
Ngoài đau mắt đỏ, viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mặc, khô mắt... cũng có thể gây ra khó chịu cho người bệnh.
Trong gia đình, nên chuẩn bị nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt, mũi, họng hằng ngày, giúp phòng ngữa bệnh do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm khi mưa lũ gây ra.
Các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính được kê theo đơn của bác sĩ
Nếu gia đình có người bị bệnh mãn tính cần điều trị theo thuốc kê đơn của bác sĩ, bạn có thể hỏi thêm về các loại thuốc dự phòng để dùng trong 2-4 tuần. Việc này giúp phòng tránh trường hợp khó khăn khi mua thuốc trong và sau mữa lũ.