Răng bị sứt hoặc gãy có thể gắn lại được nhưng mảnh răng bị sứt, gãy cần được bảo quản đúng bằng cách đặt vào khăn hoặc túi ẩm với một vài giọt nước sạch hoặc nước bọt. Đó là một trong các tình huống cần lưu ý khi xử trí khi chấn thương răng miệng.
Chấn thương răng miệng là sự cố dễ gặp trong đời sống. Đặc biệt, trong mùa bão lũ, việc tới các cơ sở y tế sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường khi chấn thương xảy ra.
Dưới đây là một số biện pháp xử trí nhanh trong trường hợp bệnh nhân có chấn thương răng miệng nhưng chưa thể đến cơ sở y tế kịp thời:
Chấn thương răng miệng dễ gặp trong đời sống
Răng lung lay: dùng đầu ngón tay ấn nhẹ để định vị lại răng đúng vị trí. Không ép răng vào ổ răng. Cố định răng bằng khăn giấy hoặc gạc ẩm. Liên hệ với bác sĩ răng hàm mặt càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời. Có thể gọi điện cho bác sĩ răng hàm mặt để được hướng dẫn nếu có thể gọi được.
Răng bị sứt hoặc gãy: đặt mảnh răng bị sứt, gãy vào khăn hoặc túi ẩm với một vài giọt nước hoặc nước bọt vì có thể gắn lại được. Súc miệng bằng nước ấm và giữ sạch cho đến khi bạn có thể đến gặp bác sĩ răng hàm mặt. Bác sĩ răng hàm mặt có thể sử dụng chính mảnh gãy này để gắn vào phần răng còn lại, đây là một cách phục hồi rất tốt mà không cần phải sử dụng các vật liệu thay thế khác.
Răng bị bật, rơi ra khỏi huyệt ổ răng: nên tìm lại răng, chỉ cầm vào thân răng (vùng nhẵn, bóng), không chạm vào vùng chân răng (kể cả trong lúc rửa răng), cắm lại răng vào huyệt ổ răng ngay tại hiện trường tai nạn (nếu có thể).
Trước hết, cần rửa răng nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý hoặc thậm chí dùng ngay nước bọt của bệnh nhân (không sử dụng nước máy). Cắm răng nhẹ nhàng vào huyệt ổ răng.
Nếu không thể cắm lại răng, tuyệt đối không để răng khô, mà ngâm ngay răng vào nước muối sinh lý hoặc nước bọt của bệnh nhân.
Bệnh nhân bị mất răng cắn gạc hoặc khăn tay sạch tại vị trí răng bị tổn thương. Sau đó, liên hệ với bác sĩ răng hàm mặt mặt sớm nhất có thể để bác sĩ có thể cắm và cố định lại răng. Thời gian tối ưu là đến được với bác sĩ răng hàm mặt trước 6 tiếng.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe răng miệng trong tình huống có sự cố, chấn thương, nên chuẩn bị sẵn một bộ dụng cụ để sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
Bộ dụng cụ khẩn cấp bao gồm: gạc và bông để cầm máu và bảo vệ các vùng bị thương trong miệng, đèn pin để giúp quan sát bên trong miệng, nước đóng chai và muối để làm nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý để súc miệng, một đôi găng tay cao su để kiểm tra vết thương, thuốc giảm đau, túi chườm lạnh tức thời để điều trị sưng, thuốc kháng sinh mà bác sĩ hay kê đơn.
VietBF@sưu tập