Nhiều kẻ lừa đảo sử dụng AI để tạo ra những căn biệt thự, khu nghỉ dưỡng sang trọng giả, lừa khách đặt phòng và chuyển tiền.
CEO Hiệp hội các đại lý du lịch Anh (ABTA) Mark Tanzer cho biết những kẻ lừa đảo đang sử dụng các biện phát ngày càng tinh vi để nhắm vào người tiêu dùng. Chúng thường tập trung lừa khách vào mùa cao điểm du lịch, khi nhu cầu tăng cao và khả năng cung cấp dịch vụ hạn chế. Số liệu từ tổ chức Action Fraud, nơi nhận các báo cáo về gian lận, tội phạm mạng tại Anh, chỉ ra năm 2023 du khách Anh đã mất khoảng 16,5 triệu USD (trung bình mỗi nạn nhân mất khoảng 2.100 USD) cho những kẻ lừa đảo.
Dưới đây là các mánh khóe lừa đảo mới mà các chuyên gia du lịch đã phát hiện và đưa ra gợi ý phòng tránh.
Nạn nhân có thể bị mất hàng nghìn USD khi rơi vào cạm bẫy lừa đảo du lịch. Ảnh: Which
Ưu đãi, quà tặng tự nhiên đến
Trên mạng sẽ xuất hiện nhiều cuộc thi kèm ưu đãi quà tặng để thu hút du khách tham gia. Phần thưởng thường gồm vé máy bay hoặc phòng khách sạn, đôi khi là combo cả hai. Thoạt nhìn, du khách sẽ cảm thấy "ngon ăn" và dễ trúng giải nên hào hứng tham gia. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên khách nên tỉnh táo, cẩn thận vì không phải mọi cuộc thi trên mạng đều hợp pháp. Kẻ lừa đảo có thể lợi dụng sơ hở để lấy thông tin cá nhân của khách, hoặc lừa bạn đóng một số tiền mới được tham gia chơi.
Cách tránh: Rory Boland, chuyên gia đến từ Which?, tạp chí chuyên đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng có trụ sở tại Anh, cho biết nếu du khách có bất kỳ nghi ngờ nào, nên vào thẳng trang web của công ty du lịch đó để kiểm tra. Ngoài ra, khách cần kiểm tra xem bài đăng có được sử dụng từ tài khoản chính thức hay không.
Khách sạn "ma" do AI tạo ra
Kẻ xấu đã đưa cách lừa đảo về những khách sạn "ma" lên tầm cao mới khi sử dụng công nghệ AI tạo ra hình ảnh bắt mắt về các khu nghỉ sang trọng nhưng giá cả rất phải chăng. Khi khách chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ cũng là lúc nhận ra mình đã bị lừa.
Cách tránh: Dấu hiệu cảnh báo là giá thành luôn thấp hơn các bên bán phòng khác và luôn yêu cầu khách chuyển khoản giữ chỗ hoặc thanh toán toàn bộ. Du khách cần xem đánh giá về bài đăng đó, xem đã có ai ở chưa cũng như cần ghi nhớ: miếng phô mai miễn phí chỉ có trong bẫy chuột.
Dùng wifi công cộng
Khi du khách sử dụng mạng wifi công cộng tại trung tâm thương mại, nhà hàng sẽ bị tin tặc truy cập vào dữ liệu cá nhân trên điện thoại, máy tính.
Cách tránh: Điều an toàn nhất du khách cần làm là không bao giờ sử dụng mạng wifi miễn phí không yêu cầu đăng nhập mật khẩu tại nơi công cộng.
Ngoài ra, hãy đảm bảo chỉ truy cập các trang web bắt đầu bằng 'https' vì đây là sự đảm bảo rằng dữ liệu được truyền từ thiết bị của bạn được mã hóa. Các trang web được thiết kế để đánh cắp dữ liệu thường sẽ bắt đầu bằng 'http' mà không có chữ s. Theo Rory, du khách có thể cân nhắc cài đặt phần mềm diệt virus trên điện thoại, hoặc điện thoại luôn có bản cập nhật bảo mật mới nhất để bảo vệ trước những kẻ tin tặc.
Khách sạn giả trên các website đặt phòng
Ngày càng nhiều du khách bị lừa khi trả tiền để lưu trú tại các cơ sở quảng cáo trên các ứng dụng đặt phòng. Trong khi đó, những khách sạn này không tồn tại hoặc đã ngừng hoạt động.
Cách tránh: Rory Boland cho biết du khách nên cảnh giác với nhiều đánh giá dưới các bài đăng của các khách sạn. Nếu các đánh giá có nội dung tương tự, sử dụng các từ ngữ hoặc cụm từ lặp đi lặp lại, bạn nên nghi ngờ các bình luận này có thể là giả mạo.
Ngoài ra, du khách không bao giờ nên chuyển tiền thẳng đến tài khoản cá nhân khi đặt phòng khách sạn.
Trang web bán vé máy bay giả mạo
Hàng trăm website bán vé máy bay giả mạo vẫn đang hoạt động hằng ngày, thậm chí nhiều trang web giả mạo các hãng hàng không lớn trên thế giới. Tinh vi hơn, nhiều web giả còn gửi email cho khách để xác nhận chuyến bay. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi bạn ra sân bay và làm thủ tục.
Cách tránh: "Các trang web lừa đảo ngày càng tinh vi", Mark Tanzer từ ABTA giải thích. Dấu hiệu để khách phát hiện ra là giá thấp đáng ngờ, khả năng cung cấp phòng, vé không giới hạn trong mùa cao điểm du lịch cũng như yêu cầu khách thanh toán bằng chuyển khoản.
Nếu nghi ngờ, hãy tìm các trang web được ABTA công nhận hoặc liên hệ với hãng hàng không đang khai thác chuyến bay để kiểm tra xem hành trình đó có thực sự tồn tại cũng như ngày bay.
VietBF@sưu tập