Khi bị mắc kẹt trên núi Matterhorn, anh Tùng bấm điện thoại gọi cho cứu hộ, quấn cờ tổ quốc quanh người để giữ ấm thêm và đứng chờ 31 giờ trong bão tuyết.
"Tôi mơ ước từ rất lâu về kế hoạch chinh phục ngọn núi này", anh Nguyễn Thanh Tùng, 39 tuổi, sống tại thành phố Mine, Đức, nói với VnExpress sau chuyến leo núi Matterhorn, phía tây Thụy Sĩ. Anh là một trong hai người Việt bị mắc kẹt và được đội cứu hộ vùng Zermatt giải cứu thành công sáng 24/9.
Anh Tùng từng leo rất nhiều ngọn núi ở Đức và có kinh nghiệm 7-8 lần leo ở Thụy Sĩ. Matterhorn thuộc dãy Pennine Alps, có độ cao 4.478 m, là một trong những đỉnh núi anh yêu thích.
Matterhorn được ví như "viên ngọc quý của dãy Alps Thụy Sĩ", "thiên đường dành cho người yêu thiên nhiên" và là địa điểm leo núi nổi tiếng hút khách nhất châu Âu. Đỉnh núi nằm giữa thị trấn Zermatt, bang Valais phía tây Thụy Sĩ và khu nghỉ mát Breuil-Cervinia, Italy.
Sau một thời gian tìm hiểu thông tin về ngọn núi, phương thức leo cũng như rèn luyện thể lực, anh Tùng cùng một người bạn lái xe từ Đức đến Thụy Sĩ để chinh phục Matterhorn.
Hai du khách Việt đến Thụy Sĩ vào tối 20/9 và nghỉ đêm tại làng Zermatt nằm dưới chân núi. 9h30 ngày 21/9, họ bắt đầu đi bộ lên núi. Cả hai đến Hörnli Hut, lán trung chuyển nằm trên núi Matterhorn ở độ cao 3.200 m lúc 18h30 và nghỉ đêm tại đây để bắt đầu hành trình lên đỉnh vào 4h15 hôm sau.
11h30 ngày 22/9, anh Tùng và bạn đã leo đến độ cao 4.150 m. Khi cách đỉnh gần 400 m, họ quyết định trở xuống vì nhận định cố leo hết thì quay lại quá muộn, sẽ không an toàn. Theo tính toán của anh Tùng, họ sẽ về đến lán Hörnli Hut vào buổi tối.
Khi xuống tới độ cao 3.700 m, trời bắt đầu có mưa tuyết. Tuyết rơi ngày càng dày, lấp hết đường đi khiến anh Tùng không tìm được lối xuống. Trời tối nhanh, nhiệt độ xuống thấp và bão tuyết vẫn không có dấu hiệu dừng. Anh Tùng lấy điện thoại và bấm số cứu hộ SOS. Tuy nhiên, thời điểm đó trạm cứu hộ Zermatt đã hết giờ làm việc. Anh không gặp được nhân viên mà chỉ nghe được đoạn thông tin ghi âm sẵn. Sau đó, anh lên mạng tra cứu thì biết được trạm chỉ làm việc từ 7h đến 17h30 hàng ngày.
Họ đành đứng đợi một đêm trên núi, nép vào vách đá để tránh gió, chờ đến sáng hôm sau gọi cứu hộ. Anh Tùng cho biết vì xác định leo núi tuyết nên đã trang bị đầy đủ quần áo, phụ kiện. Anh mặc ba áo và hai quần chuyên dụng giữ nhiệt. Tuy nhiên, chân tay anh vẫn bị tê cóng do bão tuyết và mưa lớn, đôi giày cổ cao chuyên dụng đã bị rơi mất trên đường lên, chỉ còn đôi giày cổ thấp.
Nam du khách cho biết luôn cảm thấy tự hào là người Việt Nam, nên mỗi khi đi leo núi hoặc đi du lịch thường mang theo cờ tổ quốc, loại cờ vải nilon, có khả năng giữ ấm, chắn gió. Lần leo Matterhorn này cũng không ngoại lệ. Và nhờ quấn cờ tổ quốc quanh người, anh được hỗ trợ chống lại gió lạnh của bão tuyết, tránh "chết cóng".
6h ngày 23/9, nam du khách gọi điện lại cho cứu hộ Zermatt. Họ hướng dẫn anh gọi 144, số cứu hộ trực thăng của công ty Air Zermatt để nhanh chóng được đưa xuống núi. Tuy nhiên, phía cứu hộ cho biết bão tuyết và thời tiết xấu, trực thăng không thể bay. Họ hướng dẫn hai du khách Việt hít thở sâu, giữ bình tĩnh, giữ ấm điện thoại trong người để không bị tắt nguồn và để ý các cuộc gọi đến. Đội cứu hộ cách 30 phút đến một tiếng lại gọi lại một lần để cập nhật tình hình cho hai du khách.
"Chúng tôi mặc đủ ấm nên chỉ bị ướt lớp áo ngoài cùng", anh Tùng nói thêm. Trong thời gian chờ đội cứu hộ đến cứu, cả hai đều đói. Họ mang theo đồ ăn nhưng hoa quả, bánh trái đều bị đông thành đá trong bão tuyết.
Cổ họng khô rát, anh Tùng bốc một ít tuyết ăn cho đỡ khát. "Tôi ăn được ba chiếc kẹo để cầm cự", anh Tùng cho biết.
Khi đội cứu hộ gọi đến để cập nhật tình hình, họ thông báo nếu thời tiết vẫn xấu, hai du khách sẽ phải đợi đến ngày hôm sau. "Tôi trả lời họ không thể đợi thêm nữa, vì chúng tôi đã đứng chờ trong bão tuyết quá lâu rồi", anh Tùng nói.
12h cùng ngày, phía cứu hộ thông báo họ đã cử ba người giỏi nhất đi tìm kiếm và yêu cầu anh gửi thông tin tuyến đường. Chỗ nam du khách bị mắc kẹt chỉ cách lều Hörnli Hut 190 m. Ba chuyên gia xuất phát từ 13h và tìm thấy anh Tùng cùng bạn lúc 14h25. Sau đó, cả đoàn gồm 5 người tiếp tục đu dây thêm hai tiếng nữa để leo xuống Hörnli Hut. 19h, họ đã an toàn ở Hörnli Hut và vào trong lều thay quần áo ấm.
2h ngày 24/9, thời tiết thuận lợi để trực thăng cất cánh, anh Tùng và đoàn đi cùng được trực thăng đón xuống làng Zermatt, kết thúc hành trình giải cứu 14 tiếng. Tổng thời gian anh Tùng và bạn bị mắc kẹt trên núi đến khi xuống núi là 31 tiếng.
"Khi được đưa xuống Hörnli Hut, tôi mới gọi điện thông báo cho vợ về sự cố bị mắc kẹt", anh Tùng nói.
Tại sân đáp trực thăng, bác sĩ đi cùng đoàn cứu hộ đã kiểm tra sức khỏe của hai du khách. Họ được xác định đều khỏe, chân tay chỉ bị bầm tím đôi chỗ do va đập vào đá lúc được giải cứu. Anh Tùng nghỉ ngơi đôi chút rồi tiếp tục lái ôtô 12 tiếng để về Đức.
Nói về thông tin báo Krone, một trong những báo lớn nhất tại Áo, chỉ trích hai du khách Việt "đã quá bất cẩn khi không trang bị đồ bảo hộ an toàn khi đi leo núi", anh Tùng phủ nhận. Anh cho biết đã mang theo 20 kg đồ leo núi và để lại tại Hörnli Hut, chỉ mang theo ba lô nhỏ đựng quần áo cần thiết, đồ ăn khi leo lên đỉnh. Về thông tin đi giày leo núi không đạt chuẩn, anh Tùng nói mang theo hai đôi giày leo núi: cổ thấp và cổ cao. Đôi cổ cao rất nặng, dùng để leo những đoạn tuyết rơi dày. Đôi cổ thấp dùng để leo địa hình còn lại. Trong lúc leo núi, anh bị rơi mất đôi giày cổ cao.
"Lúc đội cứu hộ tìm thấy, tôi đang đi đôi giày cổ thấp nên họ bị bất ngờ", anh Tùng nói.
Anh Tùng cho biết Air Zermatt chưa gửi hóa đơn chuyến giải cứu lần này, nhưng anh ước chừng chi phí vài nghìn euro. Hiện tại, sức khỏe của anh Tùng và người bạn đi cùng đã ổn định. Nam du khách cho biết vợ anh không muốn chồng tiếp tục leo núi nữa.
Anh nói nếu du khách khác rơi vào hoàn cảnh mắc kẹt tương tự, điều nên làm là hít thở sâu, giữ bình tĩnh và gọi cứu hộ cũng như giữ cho điện thoại không hết pin. Lần đầu tiên gặp sự cố, anh không thấy sợ hãi, ngay cả khi đứng 7 tiếng trong đêm bão tuyết.
"Nếu leo cung khó, nguy hiểm, tốt nhất nên thuê hướng dẫn viên leo núi đi cùng và đừng quên rèn luyện thể lực", anh Tùng rút ra kinh nghiệm.
|
|