OpenAI được cho là đang thảo luận để không còn là tổ chức phi lợi nhuận, với quyền lực nằm trong tay CEO Sam Altman.
Theo Reuters, OpenAI sẽ điều chỉnh cấu trúc công ty nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Trong đó, hội đồng quản trị phi lợi nhuận sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng chỉ sở hữu một phần nhỏ cổ phần và không còn có tiếng nói quyết định như hiện nay.
Trong khi đó, Sam Altman sẽ lần đầu nhận cổ phần trong công ty vì lợi nhuận mới - dự kiến được định giá 150 tỷ USD sau khi tái cấu trúc. OpenAI cũng đang dần loại bỏ giới hạn về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Dù vậy, nguồn tin nhấn mạnh "kế hoạch vẫn đang được thảo luận với các luật sư và cổ đông, thời gian hoàn thành chưa được xác định".
OpenAI không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận sau bài báo của Reuters. "Chúng tôi vẫn tập trung vào việc xây dựng AI theo hướng mục tiêu có lợi cho tất cả, cũng như đang làm việc với hội đồng quản trị nhằm đảm bảo sứ mệnh thành công. Hội đồng phi lợi nhuận là cốt lõi của sứ mệnh và sẽ tiếp tục tồn tại", phát ngôn viên của OpenAI cho biết.
Thông tin OpenAI tái cấu trúc xuất hiện ngay sau khi Giám đốc Công nghệ Mira Murati tuyên bố từ chức ngày 25/9. Cùng ngày, CEO OpenAI Sam Altman cũng thông báo Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu Barret Zoph cũng nghỉ việc.
OpenAI được thành lập năm 2015 và hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, hướng đến việc phát triển AI an toàn và có lợi cho nhân loại. Tuy nhiên, trên website, OpenAI giải thích, ban đầu họ dự định huy động tài trợ khoảng một tỷ USD cho tham vọng xây dựng siêu trí tuệ nhân tạo AGI, nhưng vài năm sau khi ra đời, họ mới nhận được số tiền khoảng 130,5 triệu USD.
"Việc huy động được quá ít vốn không thể giúp OpenAI thu hút nhân tài cũng như đầu tư tăng sức mạnh tính toán và đây là điều nguy hiểm cho sứ mệnh của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nghĩ đến một cấu trúc mới, gồm một tổ chức phi lợi nhuận để theo đuổi tham vọng và một tổ chức vì lợi nhuận để thu hút vốn", nội dung trên website có đoạn.
Theo Business Insider, với cơ cấu đó, OpenAI có thể sa thải bất cứ ai trong công ty, kể cả người nắm quyền cao nhất. Bộ phận có quyền quyết định là toàn bộ hội đồng phi lợi nhuận. Điều này thể hiện rõ qua cuộc lật đổ Sam Altman vào tháng 11/2023. Dù vậy, ông nhanh chóng phục hồi chức vụ sau 5 ngày nhờ sự ủng hộ của nhân viên và nhà đầu tư.
Theo giới quan sát, sắp tới, nếu loại bỏ việc kiểm soát phi lợi nhuận, OpenAI sẽ hoạt động giống như một startup điển hình và được giới đầu tư hoan nghênh khi vì đã đổ hàng tỷ USD vào công ty. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên những lo ngại từ cộng đồng an toàn AI, liên quan đến trách nhiệm của công ty khi theo đuổi siêu trí tuệ nhân tạo, nhất là khi OpenAI đã giải thể nhóm kiểm soát rủi ro đầu năm nay.
Cấu trúc mới của OpenAI thời gian tới sẽ giống đối thủ Anthropic và xAI của Musk. Cả hai được đăng ký là công ty vì lợi ích xã hội (Benefit Corporations) -một dạng doanh nghiệp thúc đẩy trách nhiệm xã hội và bền vững bên cạnh việc kiếm lời.
Trước đó, cuối tháng 2 và đầu tháng 8, tỷ phú Elon Musk đã nộp đơn lên tòa án liên bang tại Carlifornia, cáo buộc rằng ông đã bị CEO OpenAI lừa dối để cùng thành lập công ty. Theo Musk, Altman đã dụ dỗ ông để cùng tạo công ty với lời hứa "nó sẽ đi theo hướng an toàn và mở so với các gã khổng lồ công nghệ theo đuổi lợi nhuận".
Sau khi tham gia và đầu tư hàng triệu USD, Musk cảm thấy ông bị phản bội vì "Altman nói với tôi sẽ đảm bảo cấu trúc phi lợi nhuận giúp tạo sự trung lập, tập trung vào an toàn và tính mở vì lợi ích của nhân loại, không phải giá trị cổ đông. Nhưng hóa ra, đây chỉ là từ thiện suông".
|