David Jones (64 tuổi) đã đi bộ qua đống đổ nát của các công trình để đến dự đám cưới và dắt tay con gái vào lễ đường ở bang Tennessee (Mỹ).
David Jones, 64 tuổi, đi bộ 27 km trong đêm để đến dự đám cưới con gái vào sáng 29/9. Ảnh: Stellar Photography.
Bão Helene mạnh cấp 4 với sức gió 225 km/h quét qua miền Đông Nam nước Mỹ vào ngày 26/9. Nhiều công trình, cầu đường đã bị hư hại nặng nề và có ít nhất 64 người thiệt mạng trong cơn bão.
Điều đó cũng không ngăn được ông David Jones đi hơn 40 km đến dự đám cưới con gái ở bang Tennessee - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Helene. Đám cưới con gái ông, Elizabeth, diễn ra vào sáng 29/9 tại thành phố Johnson, bang Tennessee.
Jones đã lái xe trong đêm từ thị trấn Boiling Springs đến nơi tổ chức đám cưới con gái, bất chấp nhiều tuyến đường đã bị bão Helene phá hủy. Kể lại chuyến đi, Jones mô tả đống đổ nát dọc đường giống như “một bộ phim thảm họa của Hollywood nhưng có quy mô lớn gấp 10 lần”.
Đi bộ suốt đêm
Trước khi bão Helene đổ bộ, Jones và vợ đang đi thăm mẹ ở thị trấn Boiling Springs (bang Nam Carolina). Theo kế hoạch, ông sẽ trở lại thành phố Johnson vào 28/9 và có mặt ở đám cưới con gái từ sáng 29/9.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi bão Helene đổ bộ và các tuyến đường bị tắc nghẽn. Ông để vợ và mẹ ở lại Boiling Springs rồi một mình lái xe về thành phố Johnson dự đám cưới con gái.
“Lúc đó tôi không có sóng điện thoại, không có Internet nên không biết thiệt hại mà bão Helene đã gây ra”, Jones nói thêm ông đã sống ở Tennessee 42 năm nhưng chưa bao giờ thấy cơn bão nào mạnh như vậy.
Jones lái xe ra khỏi Nam Carolina vào chiều ngày 28/9. Tình hình không mấy khả quan khi giao thông tắc nghẽn hàng giờ, nhiều công trình đổ nát sau bão. Ông phải liên tục đi đường vòng để tránh kẹt xe và mảnh vỡ từ các công trình. “Tôi phải mất ba giờ để đi được 16 km”, ông nói.
Cuối cùng, ông bị chặn trước lối vào của Xa lộ Liên tiểu bang 26 - tuyến đường quan trọng để di chuyển từ Nam Carolina đến Tennessee. “Cảnh sát thông báo tôi không thể đi tiếp vì một cây cầu bắc ngang hai tiểu bang đã bị bão lũ cuốn trôi”, ông kể lại lời của một sĩ quan cảnh sát vào 2h sáng 29/9.
Con đường còn lại để vào thành phố Johnson là một cây cầu ở thị trấn Erwin. Tuy nhiên, cảnh sát cũng không cho phép người dân đi qua vì công trình không còn an toàn sau siêu bão.
Jones quyết định đến gần thành phố Johnson nhất có thể. Trong tình huống xấu nhất, ông sẽ gọi FaceTime cho con gái và dắt cô vào lễ đường qua điện thoại. Người cha 64 tuổi bỏ lại chiếc Ford Explorer tại lối ra của Xa lộ Liên tiểu bang 26. Ông mặc áo khoác, xếp quần áo và dụng cụ cạo râu vào balô rồi đi bộ về phía cây cầu vừa bị cuốn trôi.
Trong 6 km đi bộ đầu tiên, ông liên tục nhìn thấy những con đường bị sạt lở, hàng rào bị gió cuốn bay và cây lớn bật gốc. “Tôi như đang lạc vào một bộ phim thảm họa của Hollywood nhưng có quy mô lớn gấp 10 lần”, ông Jones mô tả.
Giống như tấm phản quang đỏ
Vài km tiếp theo, ông đến được cây cầu. Công trình này đã bị mưa bão cuốn trôi đúng như thông báo của cảnh sát. Cơ hội duy nhất của Jones là cây cầu ở thị trấn Erwin, cách đó 10 km.
Ông đi bộ đến đó, qua cầu và tới được tòa thị chính của thị trấn Erwin - khu vực đã bị mất điện vì bão Helene.
Đi bộ dọc theo những con đường tối tăm ở miền Đông Tennessee, Jones kể mình suýt bị một chiếc ôtô đâm phải. Ông phải nhặt một mảnh nhựa phản quang màu đỏ để tài xế nhìn thấy và né. Với tấm phản quang trên tay, Jones an toàn đi bộ thêm 13 km đến Johnson City.
Jones cuối cùng đã có mặt đúng giờ ở đám cưới của con gái. Ảnh: Stellar Photography.
Cách thành phố gần chục km, Jones bất ngờ gặp một đồng nghiệp cũ từ 20 năm trước. Người này cho ông đi nhờ xe đến hết quãng đường còn lại. Tổng cộng, Jones đã đi 43 km trong đêm, bao gồm 16 km đi ôtô và 27 km đi bộ.
Người cha cuối cùng đến đúng giờ trong đám cưới của con gái Elizabeth. Ông không kể ngay cho con về hành trình trong đêm vì “không muốn con thấy có lỗi trong ngày cưới”.
Phải đến khi các nghi lễ sắp hoàn thành, ông mới lấy mảnh nhựa phản quang từ trong túi áo và tuyên bố: “Cha tặng mảnh phản quang đỏ này cho hai con làm kỷ niệm. Hãy nhớ luôn bảo vệ nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời. Giống như tấm phản quang đỏ này đã bảo vệ cha”.
Đến lúc này, con gái mới biết về hành trình dài 43 km trong đêm của Jones. Đám cưới kết thúc bằng một khoảnh khắc trọn vẹn khi Jones ôm và chúc phúc cho con gái.
VietBF@ sưu tập