Lý do cà rốt nhanh hỏng là vì chúng có hàm lượng nước cao và nếu không được bảo quản đúng cách, độ ẩm bên trong loại rau này có thể thu hút vi khuẩn, nấm mốc và bào tử nấm.
Amy Cross, một chuyên gia và là người sáng lập The Cross Legacy, đã chia sẻ trên Express.co.uk rằng có một phương pháp bảo quản đơn giản chỉ mất 10 phút thực hiện nhưng có thể giúp cà rốt để được lâu hơn tới bốn tuần.
Amy cho biết: “Hướng dẫn của tôi về cách bảo quản cà rốt trong tủ lạnh đến một tháng là sử dụng cà rốt nguyên củ. Đó là điều tôi khuyên bạn nên làm để chúng có thể bảo quản lâu hơn, để bạn luôn có những củ cà rốt giòn ngon trong tầm tay.”
Theo Amy, cách tốt nhất để bảo quản cà rốt và tránh bị hỏng là rửa sạch bằng giấm trắng rồi bảo quản trong hộp kín trong tủ lạnh.
Giấm chưng cất có chứa axit axetic có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên và rửa cà rốt trong dung dịch này sẽ tiêu diệt vi khuẩn thường gây hư hỏng. Nếu vi khuẩn phát triển trên bề mặt cà rốt, nấm mốc sẽ phá vỡ thành tế bào khiến cà rốt trở nên mềm, nhão và thối chỉ sau vài ngày.
Cách bảo quản cà rốt đúng cách để giữ chúng tươi lâu hơn
Tất cả những gì bạn cần làm là đổ đầy nước mát vào một chiếc bát lớn rồi đổ khoảng 60ml giấm trắng vào bát.
Đặt hẹn giờ trong hai phút trước khi cho cà rốt vào bát và đảm bảo không ngâm chúng quá vài phút, nếu không, rau có thể có vị giấm.
Amy nói: “Hãy đảm bảo bạn đặt hẹn giờ trong hai phút, đó là tất cả thời gian cần thiết để ngâm. Khi hết hai phút, hãy lấy cà rốt ra và rửa sạch. Hãy chú ý đến mức độ bẩn của nước!”
Sau khi ngâm xong cà rốt, rửa sạch bằng nước sạch và đặt lên khăn trà hoặc khăn giấy.
Để cà rốt khô tự nhiên nhưng phải đảm bảo chúng đã khô hoàn toàn trước khi cho vào tủ lạnh vì chúng có thể bị mốc nếu còn quá nhiều độ ẩm.
Khi cà rốt đã khô, hãy cắt nhỏ và bảo quản trong hộp thủy tinh hoặc lọ thủy tinh, sau đó chỉ cần cho vào tủ lạnh để giữ tươi thêm bốn tuần nữa.
Cà rốt có thể bị khô nhanh khi tiếp xúc với không khí trong tủ lạnh, do đó, việc bảo quản cà rốt trong hộp thủy tinh kín sẽ ngăn không cho không khí và nấm mốc xâm nhập vào lọ, giúp cà rốt không bị hỏng.
Amy cho biết: “Khi bạn làm theo các bước này, cà rốt sống của bạn sẽ tươi và giòn tới cả tháng! Thêm vào đó, cà rốt của bạn sẽ sẵn sàng để thái lát, cắt sợi hoặc làm món ăn nhẹ cho cả gia đình.”
Tác dụng của cà rốt
- Cải thiện sức khỏe mắt
Cà rốt chứa nhiều beta-carotene, chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A. Vitamin A rất quan trọng cho sức khỏe của mắt, giúp cải thiện thị lực và ngăn ngừa các vấn đề về mắt như thoái hóa điểm vàng và quáng gà.
- Tăng cường hệ miễn dịch
Vitamin A và C trong cà rốt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Đồng thời, cà rốt còn chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do.
- Tốt cho hệ tiêu hóa
Cà rốt có chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và tăng cường sức khỏe đường ruột.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Các chất chống oxy hóa trong cà rốt như beta-carotene, alpha-carotene và lutein có thể giúp bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim. Chất xơ trong cà rốt cũng giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL), từ đó giúp duy trì sức khỏe tim mạch.
- Hỗ trợ giảm cân
Cà rốt là thực phẩm có lượng calo thấp nhưng giàu chất xơ, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và kiểm soát cơn đói, hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả.
- Làm đẹp da
Beta-carotene trong cà rốt giúp bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa lão hóa sớm. Vitamin C trong cà rốt còn thúc đẩy sản xuất collagen, giúp da săn chắc và khỏe mạnh hơn.
Cải thiện sức khỏe răng miệng:Nhai cà rốt sống có tác dụng làm sạch răng miệng tự nhiên, loại bỏ mảng bám và kích thích nướu. Cà rốt cũng giúp tăng sản xuất nước bọt, giúp ngăn ngừa sâu răng và bảo vệ men răng.
|