Giấm gạo là loại gia vị không thể thiếu trong nhà bếp. Bạn có thể dùng nó để nêm nếm cho các món ăn, pha nước chấm, dùng để làm sạch thực phẩm hoặc các đồ dùng trong nhà.
Giấm được bán rất nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự làm giấm tại nhà từ những nguyên liệu tự nhiên, dễ tìm.
Tự làm giấm gạo tại nhà bằng 3 nguyên liệu dễ tìm
Bạn có thể tự làm giấm gạo tại nhà bằng các nguyên liệu đơn giản gồm gạo trắng, đường trắng và rượu. Chỉ cần làm một lần là có đủ lượng giấm để dùng trong thời gian dài.
Bạn sẽ cần 200 gram gạo trắng, 20 gram đường trắng, 500 gram nước đun sôi để nguội. Ngoài ra, cần chuẩn bị lọ đựng bằng thủy tinh. Chuẩn bị thêm một chút rượu trắng cao độ để khử trùng cho lọ đựng.
Đem gạo vo qua 2 lần nước cho sạch. Lưu ý, không nên chà xát mạnh làm mất các chất dinh dưỡng trên bề mặt gạo. Chỉ cần vo nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, nhặt bỏ sạn là được.
Đặt chảo lên bếp, cho gạo vào chảo và bật lửa lớn, đảo đều cho gạo nhanh khô nước trên bề mặt. Thấy gạo ráo nước thì chuyển sang lửa vừa, tiếp tục rang cho đến khi hạt gạo chuyển màu vàng và có mùi thơm. Tắt bếp và đổ gạo ra khay sạch, rải đều cho gạo nhanh nguội. Lưu ý, trong quá trình rang gạo, cần phải đảo đều tay cho gạo chín vàng đều, không bị cháy. Thông thường, chỉ đảo khoảng 15-20 phút là gạo sẽ chín vàng.
Lọ để ủ giấm phải là lọ sạch, có nắp đậy. Nên dùng chất liệu thủy tinh để đảm bảo an toàn. Luộc lọ trong nước nóng để khử trùng. Để lọ cho thật khô ráo trước khi dùng.
Có thể dùng rượu trắng cao độ đổ vào lọ và tráng đều rồi để một lúc cho rượu bay hơi hết. Rượu cũng có tác dụng khử khuẩn giúp giấm không bị hỏng.
Khi lọ khô, bạn hãy cho gạo và đường vào lọ (tỷ lệ là 1 đường : 10 gạo). Đổ nước đun sôi để nguội vào trong lọ, dùng đũa sạch khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Lượng nước thêm vào giấm sẽ ảnh hưởng đến độ chua của giấm.
Để tăng hương vị cho giấm, bạn có thể cắt nhỏ một quả táo và bỏ vào lọ ủ cùng gạo. Lưu ý, táo cần được rửa sạch, tráng nước sôi, để ráo rồi mới cho vào lọ.
Thời gian ủ giấm gạo
Đậy nắp lọ giấm và để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Chờ trong khoảng 15 ngày cho hỗn hợp lên men, hình thành giấm.
Giấm gạo thành phẩm sẽ có màu hơi trắng nhà, mùi thơm và vị chua nhẹ, không giống như các loại giấm công nghiệp. Bạn có thể kiểm tra độ chua của giấm xem đã đạt yêu cầu chưa. Sau đó, chắt lấy phần nước ra chai sạch, đậy nắp để dùng dần. Bảo quản giấm ở nơi thoáng mát, khô ráo.
Khi làm giấm, nếu muốn giấm có vị chua mạnh thì nên giảm lượng nước cho vào lúc ủ giấm. Nếu muốn giấm có vị chua thanh, nhẹ nhàng thì tăng lượng nước. Tuy nhiên, cần chú ý gạo trong lọ phải ngập toàn bộ trong nước, mực nước cách gạo ít nhất 2 đốt ngón tay để quá trình lên men diễn ra tốt nhất, tránh tình trạng nấm mốc xuất hiện.
Bạn cũng có thể sử dụng các loại gạo khác thay cho gạo trắng. Mỗi loại gạo sẽ tạo ra màu sắc và hương vị khác nhau cho giấm.
|