[Dịch] Chính sách kinh tế của Joe Biden và Chủ nghĩa xã hội kiểu II
"Theo báo cáo của tạp chí Morning Brew, Biden dự định chi: 300 tỷ đô la cho "mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các ngành công nghệ tiên tiến như pin, xe điện, trí tuệ nhân tạo và 5G; và 400 tỷ đô la vào "các hàng hóa và dịch vụ do Mỹ sản xuất. Biden muốn giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài, đặc biệt trong chuỗi cung ứng y tế của Mỹ. Các chính sách dạng "đầu tư mua sắm công" đó cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm thiểu số làm chủ.
Gọi một chính sách như vậy là "xã hội chủ nghĩa" thì nghe có vẻ cường điệu hóa và đầy vẻ hù dọa kiểu đảng phái. Sao mà "đầu tư" vào các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, lại là chủ nghĩa xã hội được?
Thông thường, khi chúng ta hình dung một đất nước chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội, ta thường hình dung ra những nhà cách mạng chiếm giữ các nhà máy (trường hợp năm 1917 tại Nga) hay các chính phủ cách mạng quốc hữu hóa các ngành công nghiệp (trường hợp Venezuela những năm 2000).
Theo tư duy đó, ta thường cho rằng chủ nghĩa xã hội nảy sinh qua quá trình chiếm đoạt và lật đổ: bằng cách đập phá doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải "đầu tư" vào nó.
Tuy vậy, "cảm giác" bề mặt từ một chính sách nhất định có thể che đậy đi thực tế. Trong trường hợp này, thực tế chính là việc "đầu tư" vào các doanh nghiệp tư nhân lại là một trong những cách hiệu quả nhất để tàn phá các doanh nghiệp đó.
Trong chuyên luận vĩ đại Human action [Hành động con người], nhà kinh tế học Ludwig von Mises đã viết: "Có hai hình mẫu để hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội"
"Mô hình đầu tiên … thuần túy mang tính quan liêu. Tất cả các nhà máy, cửa hàng, trang trại đều chính thức bị quốc hữu hóa, biến thành các cơ quan chính phủ do các công chức điều hành. Mọi đơn vị của bộ máy sản xuất có mối quan hệ với tổ chức trung ương cấp trên y như cách một bưu điện địa phương có mối quan hệ với văn phòng tổng cục bưu điện."
Mises gọi đây là "mô hình Lenin hay mô hình Nga", vì đó là cách Vladimir Lenin xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Nga sau Cách mạng tháng Mười.
Mô hình thứ hai", Mises tiếp tục viết, "trên danh nghĩa thì có vẻ tôn trọng quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất, cũng như duy trì biểu hiện bề ngoài của thị trường thông thường, đó là giá cả, lãi suất và tiền lương".
Nhưng "nền kinh tế thị trường" này chỉ là một dạng vỏ bọc, Mises giải thích. Thông qua các biện pháp can thiệp (bằng mệnh lệnh, "đầu tư", v.v.) vào nền kinh tế, chính phủ tác động lên cách doanh nghiệp phát triển, đến mức cuối cùng chính nhà nước chỉ đạo sản xuất và do đó trở thành chủ sở hữu thực tế của các tư liệu sản xuất đó.
Mises gọi đây là "mô hình Hindenburg hay mô hình kiểu Đức" trong việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, bởi đó là cách Paul von Hindenburg, thủ lĩnh của Quân đội Đế chế Đức, áp đặt "chủ nghĩa xã hội thời chiến" lên nước Đức trong Thế chiến thứ nhất, và cũng là cách mà chủ nghĩa xã hội sau này tái xuất dưới thời Đức Quốc xã.
Hình thức này của chủ nghĩa xã hội thoạt nhìn có vẻ giống chủ nghĩa tư bản, ngay cả đối với những người vận hành bên trong. Các chủ doanh nghiệp cũ có thể nghĩ rằng họ vẫn đang nắm quyền điều hành doanh nghiệp của mình.
Song như Mises giải thích, đó chỉ là một ảo tưởng.
Những "nhà quản lý" mà Mises nói đến không còn là những nghiệp chủ nữa, mà về cơ bản đã trở thành những quan chức thao tác vận hành. Tương tự như vậy, người lao động không còn tham gia vào một thị trường lao động thực thụ nữa mà cơ bản được nhà nước "huy động" và giao việc.
Những mác "thị trường" này thực tế không có vai trò gì nhằm điều phối sản xuất. Do đó, chủ nghĩa xã hội với vỏ bọc tư bản chủ nghĩa sẽ sớm gặp phải tình trạng hỗn loạn như dạng chủ nghĩa xã hội thông thường.
Bất kỳ nơi nào từng thử nghiệm chủ nghĩa xã hội đều phải chịu những hậu quả thảm khốc, và tương lai cũng sẽ luôn như vậy, cho dù thông qua hình thức quốc hữu hóa hay can thiệp của chính phủ. Điều cực kỳ thiết yếu hiện nay là chúng ta phải nắm bắt được thực tế này, bởi việc thực hiện một kế hoạch như Biden đưa ra sẽ là một bước nhảy tiến đến mô hình xã hội chủ nghĩa thứ hai mà Mises mô tả. Ta cũng có thể gọi nó là "Xã hội chủ nghĩa kiểu II", bởi nó cũng độc hại chẳng kém bệnh tiểu đường hay các loại bệnh dịch khác."