Trong thế giới võ hiệp Kim Dung, cao thủ ẩn mình này có võ công cái thế, có thể được coi là số một võ lâm.
Cao thủ bí ẩn nhất Thiên long bát bộ
Theo trang tin Sohu, nhiều độc giả hâm mộ Kim Dung đã thống kê, phân loại các tác phẩm của tác giả này và kết luận Thiên Long Bát Bộ là cuốn tiểu thuyết võ hiệp có nhiều nhân vật mạnh nhất. Họ cho rằng, căn cứ vào những miêu tả của Kim Dung về võ công các tác phẩm, dường như càng về thời kỳ trước thì võ công càng lợi hại, còn những truyện với bối cảnh là thời nhà Thanh như "Thư Kiếm Ân Cừu Lục", "Tuyết Sơn Phi Hồ", "Phi Hồ Ngoại Truyện"... thì chiêu thức của các cao thủ chung quy vẫn dễ tưởng tượng hơn.
Còn trong "Thiên Long Bát Bộ", bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh thời Bắc Tống, loại võ công như Lục Mạch Thần Kiếm có thể phát ra kiếm khí trong không trung quả thực là điều không tưởng. Thế nhưng điểm gây ấn tượng với các độc giả lại không phải 3 nhân vật chính mà là cao thủ kỳ bí nhất chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong truyện. Đó chính là Vô Danh Thần Tăng.
Cao thủ kỳ bí nhất chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong truyện Thiên Long Bát Bộ chính là Vô Danh Thần Tăng. (Ảnh: Sohu)
Vô Danh Thần Tăng tuy không phải là nhân vật chính, nhưng gần như là cao thủ số một trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Một chiêu đánh bại một loạt cao thủ hàng đầu như Cưu Ma Trí, Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác..., thuận lợi đỡ được chiêu thức lợi hại như Hàng Long Thập Bát Chưởng. Đặc biệt, chỉ một ánh mắt của vị cao tăng cũng có thể khiến nhìn thấy lòng dạ của kẻ khác.
Với võ công cái thế đó, Vô Danh Thần Tăng dễ dàng được những người mê tiểu thuyết Kim Dung xếp hạng võ công đứng ở vị trí số một trong Thiên Long Bát Bộ. Nhưng Vô Danh Thần Tăng không chỉ võ công cao cường, mà còn tinh thông Phật pháp, hơn nữa dường như biết hết mọi chuyện quá khứ vị lai. Ông ta hiểu được cách tu luyện kết hợp kinh sách tương ứng với 72 Tuyệt Kỹ của Thiếu Lâm.
Trong đại hội võ lâm được tổ chức ở Thiếu Thất Sơn, Vô Danh Thần Tăng xuất hiện trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. Ông cho biết mình đã bí mật quan sát Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn ngay từ khi họ đột nhập để nghiên cứu kinh thư mà không bị phát hiện. Trong suốt hơn 40 năm, vị này làm công việc của mình mà không ai nắm rõ danh tính. Ông đã chỉ ra lỗi lầm trong cách luyện võ của họ khiến ngũ tạng bị tổn thương do tiến triển quá nhanh.
Một mình Vô Danh Thần Tăng chống lại các cao thủ võ lâm như Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, Mộ Dung Bác, Cưu Ma Trí... Để chữa trị, ông đã giả vờ giết họ rồi hồi sinh lại, áp dụng phương pháp "đưa vào chỗ chết để tìm ra đường sống".
Sức mạnh không chỉ nằm ở võ thuật
Sau đó, ông dùng Phật pháp hóa giải ân oán cho Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác. Hai người sau khi được Vô Danh Thần Tăng điểm hóa bỗng nhiên đại ngộ, xóa bỏ hiềm khích trước đây, cùng bái Vô Danh Thần Tăng làm thầy, quy y cửa Phật.
Vô Danh Thần Tăng ở Tàng Kinh Các mấy chục năm, chưa từng bị phát hiện. Những cao thủ võ lâm tuyệt đỉnh kia, trong mắt ông ta, chỉ là những người bình thường trong vạn người.
Vô Danh Thần Tăng sở hữu võ công thâm hậu nhất, có khả năng nhận diện ngay các kỹ xảo võ thuật của Cưu Ma Trí chỉ qua một cái nhìn. Khi Cưu Ma Trí âm mưu sử dụng Vô Tướng Kiếp Chỉ để tấn công lén, lão tăng không cần phải hạ thủ mà chiêu thức kia tự nhiên bị bất lực. Những kẻ gian trá như Cưu Ma Trí trong mắt Vô Danh Thần Tăng chẳng qua chỉ là chút tài mọn. Có lẽ chỉ là muốn để Cưu Ma Trí tự mình hiểu ra, nên Vô Danh Thần Tăng mới không nói thẳng.
Tiêu Phong, một anh hùng của thời đại, triển khai Hàng Long Thập Bát Chưởng mà lão tăng cũng chỉ lùi vài bước, không bị tổn thương nghiêm trọng. Cả Mộ Dung Bác lẫn Tiêu Viễn Sơn cũng không phải là đối thủ của lão tăng, chứng minh phần nào sức mạnh vượt trội của ông
Ân oán tình thù chốn nhân gian, chém giết lẫn nhau, công danh lợi lộc, trong lời kể của Vô Danh Thần Tăng, đều hóa thành tro bụi. Cái cao của Vô Danh Thần Tăng không chỉ là võ công, mà là cảnh giới nhân sinh.
Kim Dung qua các tác phẩm của mình luôn thể hiện quan điểm: những người có vẻ ngoài bình thường thường giấu giếm tài năng võ công xuất chúng, và kẻ tài thường ẩn mình trong đám đông, không phô trương. Sức mạnh của Vô Danh Thần Tăng trong "Thiên Long Bát Bộ" không chỉ nằm ở võ công siêu phàm mà còn ở hành động cao cả của ông: cứu mạng kẻ thù và xóa bỏ mối hận trong lòng họ. Giết người là chuyện nhỏ, nhưng xoá đi nỗi đau và hận thù trong tâm hồn mới thực sự là việc làm của vị cao thủ. Vị lão tăng đã làm được điều này không chỉ qua võ công mà còn bằng trí tuệ và lòng nhân ái. Anh hùng trong truyện của Kim Dung không chỉ dùng võ công để chiến thắng mà còn phải sử dụng nó để làm nên những việc phi thường, đó mới thực sự là cao thủ đích thực.
VietBF@ sưu tập