Người ít vận động, hút thuốc lá, viêm đường tiêu hóa mạn tính, thừa cân béo phì sẽ có khả năng mắc ung thư cao hơn.
Chị N.T.C (46 tuổi, trú tại Hà Nội) đi khám vì đau bụng hạ sườn phải, buồn nôn. Bác sĩ Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ định chị C. nội soi dạ dày và phát hiện có một tổn thương kích thước 4x7cm chiếm 1% chu vi tá tràng. Bệnh nhân được sinh thiết tổn thương với kết quả giải phẫu bệnh là u tuyến ống nhung mao loạn sản độ cao.
Bác sĩ cắt u tuyến lớn tá tràng cho chị C. bằng kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, bóc tách nguyên khối tổn thương.
Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận bệnh nhân nữ 25 tuổi ung thư dạ dày. Cô vào viện vì đau bụng, nôn ói. Sau hơn 1 năm điều trị, nữ bệnh nhân trẻ đã qua đời.
Theo các bác sĩ, một số bệnh nhân viêm loét dạ dày có triệu chứng đau rõ rệt. Nhưng nhiều trường hợp viêm loét không biểu hiện, khi đi khám, đã có biến chứng xuất huyết, ung thư dạ dày.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Chương - Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, bệnh nhân cần nội soi dạ dày, đại trực tràng. Các hình ảnh phóng đại và nhuộm màu có thể nhận định rõ ung thư hay viêm loét lành tính. Sau nội soi, bác sĩ sinh thiết nhìn dưới kính hiển vi xác định rõ tế bào bất thường.
Bác sĩ Chương cho biết những nhóm người sau cần sàng lọc ung thư tiêu hóa thường xuyên:
1. Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đường tiêu hóa: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản, bạn nên tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn.
2. Người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều: Những thói quen này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa thực quản, gan, dạ dày.
3. Người béo phì, ít vận động: Tình trạng béo phì và ít vận động liên quan đến nhiều bệnh mạn tính, trong đó có ung thư đại trực tràng.
4. Người mắc các bệnh viêm đường tiêu hóa mạn tính: Viêm dạ dày mạn tính, bệnh lý ruột viêm như crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu... có thể tăng nguy cơ ung thư hóa.
5. Người trên 40-45 tuổi: Độ tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư càng lớn.
Tần suất nội soi: Người có nguy cơ cao nên nội soi định kỳ 1-2 năm/lần. Người bình thường có thể nội soi 5 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 45.
Ngoài ra, bác sĩ Chương khuyến cáo trong sinh hoạt hằng ngày, người dân cần chú ý đi thăm khám sớm nếu có các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, khó chịu, không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vùng bụng dưới kèm theo ăn, đầy bụng, khó tiêu; có máu trong phân. Một số trường hợp có thể giảm cân đột ngột, người mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, da xanh.
Để phòng bệnh, người dân hạn chế các thực phẩm như dưa muối, thịt nguội (thịt hun khói, dăm bông, xúc xích), thực phẩm sử dụng nhiều phẩm màu. Trong chế độ ăn uống, người dân nên tăng cường ăn rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
VietBF@ sưu tập
|