Cánh cửa tủ lạnh là nơi mọi người thường để nhiều loại thực phẩm và đây là vị trí khá thuận lợi để đặt và lấy đồ khi cho vào tủ lạnh. Tuy nhiên, cánh cửa tủ lạnh là nơi dễ bị dao động nhiệt độ khi mở tủ. Vì vậy, nếu bảo quản một số loại thực phẩm này có thể dễ làm hỏng thực phẩm.
1. Sữa
Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản sữa là 0-5 độ C. Mặc dù cánh cửa tủ lạnh có thể duy trì mức nhiệt này nhưng việc thường xuyên mở tủ lạnh sẽ khiến nhiệt độ ở khu vực này bị dao động và ấm hơn các vị trí khác trong tủ.
Do vậy, nếu để sữa ở cánh tủ lạnh sẽ dễ gây hỏng sữa trong thời gian ngắn. Nếu bạn nhận thấy sữa có vị chua, đổi màu thì nên vứt ngay.
Thay vì để sữa ở cánh cửa tủ lạnh, bạn nên nên bảo quản sữa ở các ngăn bên trong tủ lạnh nơi có nhiệt độ lạnh, phù hợp để bảo quản sữa. Tuy nhiên, bạn nên nhớ tránh để sữa gần với các thực phẩm sống để tránh nhiễm khuẩn chéo.
2. Trứng
Để bảo quản trứng được lâu và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella, bảo quản trứng trong tủ lạnh là phương pháp an toàn.
Thông thường, mọi người thường thấy kệ hình quả trứng được đặt ở cửa tủ lạnh và bạn cho rằng, đây là nơi phù hợp để xếp và bảo quản trứng. Tuy nhiên, điều này không phù hợp để bảo quản trứng trong thời gian dài.
Khi để trứng ở cửa tủ lạnh, việc thay đổi nhiệt độ liên tục ở vị trí này có thể khiến trứng xảy ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước hình thành trên vỏ. Độ ẩm này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vỏ dễ dàng hơn.
Hơn nữa, việc nhiệt độ dao động liên tục sẽ khiến trứng dễ bị lỏng hơn và điều này khiến trứng nhanh bị hỏng hơn.
Để bảo quản trứng trong thời gian, bạn nên để trứng trong thùng carton và đặt trứng ở khu vực có nhiệt độ ổn định, chẳng hạn như hộp ngăn cuối cùng thường được để rau củ.
3. Thịt sống và thịt gia cầm
Thông thường, thịt sống và gia cầm sẽ được để ở ngăn đá tủ lạnh hoặc bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn. Nếu bạn để thịt sống ở cửa tủ lạnh, sự dao động nhiệt độ thường xuyên ở vị trí này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thịt và gây hỏng thịt nhanh chóng.
Hơn nữa, việc để thịt sống ở của tủ lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo từ thịt sống sang trái cây, rau củ hoặc đồ ăn chín.
Nếu bảo quản thịt lâu dài, bạn nên cho thịt lên tủ đá. Nếu bạn muốn rã đông hoặc ăn trong 1,2 ngày tới, bạn nên bảo quản thịt sống và gia cầm ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh, được bọc chặt bằng nhựa hoặc trong hộp kín để tránh nước rỉ ra. Đặc biệt, nếu đã bỏ thịt ra ngoài bên ngoài và để ở nhiệt độ phòng lâu, bạn nên chế biến ngay và không nên bỏ lại vào tủ lạnh.
4. Các thực phẩm đã được cắt lát
Một số loại trái cây và rau quả cắt sẵn, cụ thể là dưa, cà chua và rau lá xanh, được coi là thực phẩm có nguy cơ cao hơn. Đó là vì sau khi cắt, những thực phẩm này dễ bị vi khuẩn phát triển hơn do sự kết hợp của các yếu tố như độ pH, nhiệt độ cao hơn và độ ẩm ở cánh cửa tủ lạnh. Nếu ăn những loại thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Do đó, nếu còn dư những thực phẩm mà bạn đã cắt lát sẵn, bạn nên bỏ chúng vào trong hộp kín và để ở các ngăn bên trong của tủ lạnh.
5. Thức ăn thừa
Thức ăn thừa có thể được giữ trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày và ở mức nhiệt dưới 4 độ C. Sau đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng lên. Do vậy, nếu bạn không nghĩ rằng mình có thể ăn thức ăn thừa trong vòng 4 ngày, bạn nên cho thức ăn thừa lên tủ đá và đông lạnh thức ăn sẽ bảo quản được lâu hơn.
Nếu bạn bảo quản thức ăn thừa ở cánh cửa tủ lạnh, có thể bạn sẽ không bảo quản được 3-4 ngày, mức nhiệt ở đây sẽ làm tăng nguy cơ ôi thiu thức ăn nhanh hơn.
Trên đây là 5 loại thực phẩm bạn không nên bảo quản ở cửa tủ lạnh. Nếu bạn muốn tận dụng vị trí này để bảo quản, bạn nên để gia vị, nước ngọt hoặc một số đồ khô ở đây.
Ngoài ra, bạn nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, giữ mức nhiệt của tủ mát không quá 4 độ C để bảo quản đồ ăn tươi ngon và tránh nguy cơ ngộ độc.
|