Những cơn lốc xoáy khổng lồ, lượng mưa như thác đổ xuống St. Petersburg, triều cường ngược ở Tampa và những cơn gió giật mà bão Milton đem lại đã khiến giới nghiên cứu kinh ngạc.
Sau khi phát triển nhanh bất thường từ một cơn bão nhiệt đới lên bão cấp 5 trong vỏn vẹn một ngày, bão Milton tiếp tục khiến các nhà nghiên cứu bàng hoàng khi đổ bộ vào Florida hôm 9/10 (giờ miền Đông).
Mặc dù các nhà khí tượng học đã dự đoán được một số thiệt hại có thể xảy đến, họ vẫn kinh ngạc bởi những hiện tượng bất thường mà bão Milton đem lại khi tiến vào đất liền.
Những cơn bão thường sinh ra lốc xoáy khi các cơn giông và dải mưa rào tiến vào đất liền.
Tuy nhiên, bão Milton đã khiến Florida bàng hoàng khi những cơn lốc xoáy dữ dội và bất ngờ xé toạc các mái nhà, bẻ sạch những ngọn cây lớn và lật nhào xe đầu kéo đang chạy trên đường.
Ít nhất 4 người ở St. Lucie (Florida) đã thiệt mạng do những cơn lốc xoáy nói trên, theo Washington Post.
Các nhà khí tượng học trước đó cũng cảnh báo về khả năng lốc xoáy xảy ra khi bão Milton đổ bộ. Tuy nhiên, việc những cơn lốc xoáy này ập đến trước cả mắt bão Milton cũng như mức độ dữ dội của chúng đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ ngày 9/10 đã ban bố 126 cảnh báo lốc xoáy. Có thời điểm, tồn tại 18 cảnh báo lốc xoáy cùng lúc trên toàn Florida. 48 trường hợp lốc xoáy đã được ghi nhận trên mặt đất.
Một vài trong số những cơn lốc xoáy trên đã quét qua quãng đường hơn 8 km trong khi lốc xoáy trung bình chỉ di chuyển được khoảng 5,6 km.
Bão Milton có thể được ghi nhận là cơn bão gây ra nhiều lốc xoáy nhất trong lịch sử Florida, theo Washington Post.
Quá trình bão đổ bộ vào đất liền tạo ra một số yếu tố thuận lợi giúp lốc xoáy hình thành, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, và gió di chuyển với tốc độ cao.
Theo nhà khoa học khí tượng Jana Houser của Đại học bang Colorado, khi vòng ngoài của bão Milton di chuyển qua Florida, một số cơn gió chéo cách mặt đất khoảng 5-8 km đã chém vào bão Milton.
Sự va chạm này đã làm cơn bão suy yếu xuống cấp 3 song cũng tạo điều kiện để hình thành lốc xoáy.
Nhà nghiên cứu bão Kristopher Bedka thuộc Trung tâm Langley của NASA cho rằng các dải gió xoắn ốc của bão Milton đã trợ lực giúp những cơn lốc xoáy trở nên mạnh hơn.
"Sự kết hợp của không khí ấm gần mặt đất và độ ẩm cao từ vùng nước ấm của Đại Tây Dương khiến bầu không khí rất hỗn loạn và cung cấp nhiên liệu cho sự phát triển lốc xoáy", ông Bedka giải thích.
Dưới tác động của bão Milton đổ bộ vào khu vực Vịnh Tampa, mực nước mưa ở St. Petersburg hôm 9/10 (giờ miền Đông) đã chạm mốc 0,23 m chỉ trong vòng ba giờ. Đây là cơn mưa nghìn năm có một ở đô thị này, theo CNN.
Mực nước mưa tích trữ trong ba giờ này cũng tương đương với lượng mưa trung bình trong ba tháng ở St. Petersburg.
Tổng lượng mưa mà bão Milton trút xuống St. Petersburg được ghi nhận lên đến hơn 0,47 m. Trong khi đó, Tamap nhận lượng mưa 0,28 m, gấp 4-6 lần lượng mưa trung bình tháng 10 của khu vực này.
Mặc dù quét qua Florida trong thời gian tương đối ngắn, bão Milton vẫn trút xuống lượng mưa khoảng 0,15-0,3 m trên đường di chuyển.
Cơn mưa lớn nhất trút xuống một dải tương đối hẹp của Florida trải dài về phía tây nam đến đông bắc từ Tampa, qua Orlando và về phía bãi biển Daytona. Lũ lụt đã khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn và buộc một bệnh viện gần St. Petersburg phải sơ tán.
Nhiệt độ nước biển cao được cho là nguyên nhân gây mưa lớn bất thường từ bão Milton.
Nước biển ấm áp bất thường có thể dẫn đến sự bay hơi nhiều hơn của nước vào không khí, làm cho những cơn bão mạnh hơn và có khả năng tạo ra lượng mưa lớn hơn.
Bão Helene đổ bộ hồi giữa tháng 9 cũng đem lại lượng mưa lớn tương tự bão Milton. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đây là kết quả từ sự biến đổi khí hậu, cụ thể là nóng lên toàn cầu, đã làm nhiệt độ nước biển gia tăng.
Trước khi bão Milton đổ bộ, các nhà dự báo đã lo ngại rằng nếu cơn bão càn thẳng vào Tampa, triều cường có thể dâng lên 4,6 m và nhấn chìm đô thị này.
Tuy nhiên, kịch bản ngược lại đã xảy ra. Vì Milton đổ bộ ở bờ phía nam Tampa, những cơn gió ngoài khơi (từ đông sang tây) ở phía bắc của cơn bão cuối cùng đã hút nước ra khỏi Vịnh Tampa, gây ra hiện tượng "triều cường ngược".
Mực nước trong Vịnh Tampa đã giảm xuống dưới mức bình thường trong một khoảng thời gian.
Trong khi Tampa tránh được thảm cảnh, các khu vực en biển ở phía nam tâm bão đã bị ngập trong nước, bao gồm Sarasota, Venice, Fort Myers và Naples.
Triều cường đã dâng đến 3 m ở Sarasota, khoảng 0,9-1,8 m ở Venice. Tại Fort Myers, mực nước dâng đã chạm ngưỡng 1,6 m, mức triều cường cao thứ hai trong lịch sử thành phố này, theo Washington Post.
Bão Milton đã tấn công miền Trung Florida bằng những cơn gió giật mạnh với tốc độ tối thiểu gần 130 km/h dọc theo cung đường trải dài khắp tiểu bang từ phía nam Sarasota ở bờ biển phía tây đến Daytona Beach ở bờ biển phía đông.
Những cơn gió giật mạnh từ bờ này sang bờ kia của Florida đã xé toạc mái của Tropical Field và làm đổ một cần cẩu vào tòa nhà Tampa Bay Times. Cây đổ trên khắp tiểu bang đã khiến hơn 3 triệu cư dân sống trong cảnh mất điện.
Một số cơn gió giật mạnh nhất được báo cáo có tốc độ gió lên đến 169 km/h gần lối vào Vịnh Tampa ở Vịnh Mexico, 164 km/h tại Sân bay Quốc tế Sarasota-Bradenton, 161 km/h tại Sân bay Albert Whitted ở St. Petersburg, 157 km/h tại Cape Canaveral và 140 km/h tại Sân bay Quốc tế Daytona Beach.
Điều khiến các nhà khí tượng học ngạc nhiên là hiện tượng gió giật mạnh nhất ở phía tây và tây bắc của mắt bão. Gió bão thường mạnh nhất ở phía đông, nơi chúng được tăng cường bởi chuyển động về phía trước của cơn bão.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bão Milton, sự xâm nhập của không khí lạnh và khô hơn đã thúc đẩy khối khí chìm ở phía tây và tây bắc, có khả năng hạ xuống nhanh chóng và tăng tốc ở bề mặt, theo phân tích của nhà dự báo khí tượng Levi Cowan thuộc Hải quân Mỹ.
VietBF@ sưu tập