Miền nam Trung Quốc hứng gió mạnh và mưa lớn khi siêu bão Yagi sắp đổ bộ, các địa phương đã đóng cửa trường học và hủy nhiều chuyến bay.
Siêu bão Yagi dự kiến đổ bộ vào bờ biển Trung Quốc từ thành phố Văn Xương ở đảo Hải Nam đến bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông chiều 6/9. Mưa to, gió lớn kèm theo sấm sét đã xuất hiện trên khắp khu vực này từ đêm qua đến sáng 6/9.
"Theo cơ quan ứng phó thiên tai của tỉnh, Hải Nam đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với bão Yagi lên mức cao nhất vào lúc 11h30 ngày 5/9", Xinhua đưa tin.
Nhiều trường học đã dừng hoạt động từ hôm qua. Hầu hết tuyến giao thông trên khắp miền nam Trung Quốc đã đóng cửa, nhiều chuyến bay bị hủy ở Hải Nam, Quảng Đông, Hong Kong và Macau. Cây cầu chính nối Hong Kong với Macau và thành phố Chu Hải, Quảng Đông, tuyến đường vượt biển dài nhất thế giới, cũng bị đóng.
Chính phủ Trung Quốc đã cử tổ công tác đặc biệt đến Quảng Đông và Hải Nam để hướng dẫn phòng chống bão lũ.
Tại trung tâm tài chính Hong Kong, sàn giao dịch chứng khoán ngừng hoạt động. Cơ quan thời tiết Hong Kong đã phát cảnh báo bão mức 8, mức cao thứ ba ở thành phố này, đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và giao thông bị hạn chế đáng kể. Mức 8 dự kiến được duy trì đến trưa 6/9. Hong Kong yêu cầu người dân tránh xa bờ biển.
Việc siêu bão Yagi dự kiến đổ bộ vào Hải Nam là rất hiếm, vì hầu hết bão đổ bộ vào đảo này đều được phân loại là yếu. Từ năm 1949 đến 2023, 106 cơn bão đổ bộ vào Hải Nam nhưng chỉ 9 cơn được phân loại là siêu bão.
Sau khi quét qua Hải Nam, Yagi dự kiến vào Vịnh Bắc Bộ, gây gió mạnh, mưa to và giông lốc ở miền Bắc, Thanh Hóa. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời điểm đổ bộ là khoảng trưa 7/9. Vị trí đầu tiên tâm bão đi vào nhiều khả năng là khu vực giữa Quảng Ninh và TP Hải Phòng, cường độ cấp 10-12, tức tối đa 133 km/h, giật cấp 14.
Bão sau đó đi sâu vào Đông Bắc Bộ gây gió mạnh cấp 6-8 (tối đa 74 km/h), giật cấp 9-11. Thời điểm gió mạnh nhất là từ sáng đến chiều tối 7/9.
Giới khoa học cho biết những cơn bão đang ngày càng mạnh hơn, do các đại dương ấm lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuần trước, bão Shanshan càn quét tây nam Nhật Bản, là cơn bão mạnh nhất tấn công quốc gia này nhiều thập kỷ qua.
|