Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, cùng với các loại carotenoid và dồi dào kali, cà chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và ổn định huyết áp.
Cà chua là một trong những loại "siêu thực phẩm" đã được công nhận từ lâu. Cà chua có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, chất xơ và vitamin. Do đó, sử dụng cà chua hàng ngày rất có lợi cho sức khỏe.
Thành phần dinh dưỡng của cà chua
Cà chua là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Một số thành phần dinh dưỡng chính của cà chua bao gồm:
Carotenoid: Cà chua là một nguồn giàu carotenoid, bao gồm lycopene, beta-carotene, lutein và zeaxanthin. Carotenoid có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và bệnh lão hóa.
Vitamin C: Cà chua giàu vitamin C hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Kali: Cà chua giàu kali có tác dụng giảm huyết áp, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và chức năng thần kinh.
Folate: Loại vitamin nhóm B này có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của hệ thần kinh. Ngoài ra, cà chua giàu folate cũng có chức năng ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Chất xơ: Cà chua có thể giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ bệnh đường ruột.
Cà chua là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Những công dụng tuyệt vời của cà chua
Cà chua dù ăn sống hay nấu chín, ép nước đều đem lại những tác dụng tuyệt vời. Dưới đây là những tác dụng của cà chua đối với sức khỏe:
Cà chua có chứa nhiều chất chống oxy hóa
Cà chua có chứa tổng cộng 4 loại carotenoid chính bao gồm: Alpha-carotene, beta-caroten, lutein và lycopene. Những carotenoid này có thể có những lợi ích khác nhau. Trong đó, hàm lượng lycopene được xem là một chất có tính chống oxy hóa cao nhất của carotenoid.
Chất chống oxy hóa trong cà chua có thể giúp cơ thể ngăn chặn, giảm thiểu sự tổn thương của tế bào do các gốc tự do. Từ đó, ăn cà chua có thể giúp chống lại các bệnh mãn tính do gốc tự do gây ra.
Giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
Cà chua là nguồn chất chống oxy hóa dồi dào, đặc biệt là lycopene, có khả năng giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt đáng kể. Việc thường xuyên tiêu thụ cà chua, nước ép cà chua và các sản phẩm chứa cà chua có thể giảm đến 15% nguy cơ này.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, khối u tuyến tiền liệt phát triển chậm hơn khi chuột được cho ăn cùng lúc cả bột cà chua và bông cải xanh so với khi chúng chỉ được tiêm lycopene bổ sung hoặc chỉ được cho ăn chỉ bông cải xanh hay bột cà chua.
Giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy
Hiện chưa có nhiều bằng chứng khoa học để khẳng định rằng ăn cà chua có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, những nghiên cứu sơ bộ cho thấy lượng lycopene trong cà chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Theo một nghiên cứu của Đại học Montreal, một chế độ ăn uống giàu các sản phẩm làm từ cà chua còn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy lên đến 31%.
Ăn cà chua giúp điều hòa huyết áp
Ăn cà chua giúp điều hòa huyết áp do chúng có chứa chất lycopene và kali. Nghiên cứu còn cho thấy chiết xuất cà chua có thể giảm huyết áp ngắn hạn. Lycopene tăng cường hoạt động mạch máu, trong khi kali giúp giảm tác dụng của natri và căng thẳng trong thành mạch máu, dẫn đến giảm huyết áp. Người cao huyết áp nên bổ sung cà chua vào chế độ ăn uống lành mạnh.
Ăn cà chua giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch
Một báo cáo cho thấy các chất chống oxy hóa trong cà chua đặc biệt tốt cho việc ngăn ngừa tổn thương các động mạch ở tim, dẫn đến sự hình thành mảng bám ở động mạch tim.
Cà chua giàu lycopene có thể giảm mức cholesterol LDL và tăng mức cholesterol tốt. Cà chua cũng là nguồn giàu beta-carotene, folate và flavonoid có lợi cho sức khỏe tim mạch và giúp giảm homocysteine và kết tập tiểu cầu. Từ đó, ăn cà chua giúp sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Nghiên cứu được công bố của Đại học Tufts phát hiện: những người đàn ông có nồng độ lycopene trong máu cao có khả năng bị đột quỵ thấp hơn 55%.
Ăn cà chua giúp cải thiện sức khỏe của da
Cà chua không thể thay thế kem chống nắng nhưng lycopene trong cà chua có thể có tác dụng bảo vệ da. Vì thế, ăn cà chua giúp bảo vệ khỏi bị ban đỏ hoặc cháy nắng do tia UV gây ra. Một nghiên cứu từ năm 2006 cho thấy, sau 10 đến 12 tuần ăn lycopene từ cà chua đã chứng minh sự giảm nhạy cảm với bức xạ UV.
Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 1 cốc cà chua chứa khoảng 30 gam vitamin C. Vitamin C thường được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da. Nó thúc đẩy sự phát triển của các mô liên kết mới, giúp sửa chữa và tăng tốc quá trình chữa lành vết thương.
Một số hợp chất trong cà chua có tác dụng chống viêm như: lycopene, beta caroten, lutein, vitamin E, vitamin C. Khi thoa lên da, các hợp chất này có thể giúp giảm đau do kích ứng da hoặc cháy nắng.
Vitamin B rất cần thiết cho sức khỏe của da. Trong cà chua có các vitamin: B-1, B-3, B-5, B-6, B-9. Những loại vitamin này có đặc tính chống lão hóa, làm giảm các đốm đồi mồi, nếp nhăn. Bên cạnh đó, vitamin B cũng góp phần sửa chữa tế bào, giúp giảm chứng tăng sắc tố da và tác hại của ánh nắng mặt trời.
Sử dụng cà chua hàng ngày rất có lợi cho sức khỏe.
Công dụng của cà chua đối với phụ nữ sau sinh
Đối với những phụ nữ sau sinh đang cho con bú, việc sử dụng các sản phẩm từ cà chua có thể tăng nồng độ lycopene trong sữa mẹ. Tuy nhiên, ăn cà chua nấu chín là tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và bé.
Ngoài ra, cà chua là thực phẩm ít calo, giàu chất xơ, giúp bạn cảm thấy ngon miệng khi đang ăn kiêng. Do đó, việc kết hợp cà chua và các loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp như ớt, salad có tác dụng giảm cân rất tốt.
Lợi ích của cà chua đối với hệ miễn dịch
Cà chua còn chứa beta-carotene (chất chống oxy hóa có hoạt tính cao), vitamin E và vitamin C. Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy khoảng 1/3 dân số Mỹ hấp thu quá ít vitamin C và gần một nửa dân số thì hấp thụ quá ít vitamin A. Trong đó, vitamin C là một phần quan trọng để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Do đó, ăn cà chua thường xuyên có thể giúp cơ thể hấp thụ lượng vitamin C cần thiết.
Khi ăn cà chua cần lưu ý những gì?
Dưới đây là một số lưu ý để tối ưu lợi ích dinh dưỡng của quả cà chua:
- Cà chua cần được rửa sạch trước khi ăn để loại bỏ bụi bẩn, sâu bệnh và chất bảo quản.
- Cà chua tươi là nguồn dinh dưỡng tốt vì giữ trọn vẹn được các vitamin và các chất oxi hóa so với khi nấu chín với nhiệt. Vì vậy, nên ăn cà chua tươi để tận dụng tối đa các lợi ích dinh dưỡng.
- Nên hạn chế các món cà chua với quá nhiều dầu mỡ hoặc đường. Có thể chế biến cà chua như: làm salad, sốt cà chua, nước ép,…
- Mặc dù cà chua rất tốt cho sức khỏe, nhưng không nên ăn quá nhiều. Đặc biệt là khi đang dùng thuốc kháng sinh hoặc có vấn đề về dạ dày. Việc ăn quá nhiều cà chua có thể gây khó tiêu hóa và tăng nguy cơ bị viêm dạ dày.
- Cẩn thận khi ăn cà chua xanh vì cà chua xanh có chứa solanine, một chất độc có thể gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Do đó, không nên ăn cà chua xanh
- Ngoài các vitamin và khoáng chất, cà chua còn có tính axit tự nhiên. Nếu nhạy cảm với các axit tự nhiên hoặc bị dị ứng với cà chua khi sử dụng chúng sẽ gây ra một số phản ứng như: phát ban, ngứa, mẩn đỏ và kích ứng khác. Do đó, trước khi sử dụng cà chua hoặc nước ép cà chua cần thử để theo dõi phản ứng.
VietBF@ sưu tập