Một nghịch lý đang diễn ra là những người giàu nhất thế giới có thêm hàng chục nghìn tỷ USD trong 10 năm qua.
Theo một báo cáo mới nhất của Oxfam, tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu chống đói nghèo và bất bình đẳng trên khắp toàn cầu, tài sản của nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã tăng vọt 42.000 tỷ USD trong thập kỷ qua. Con số 42.000 tỷ USD gấp gần 36 lần so với tổng tài sản của một nửa dân số nghèo trên toàn cầu. Báo cáo này được công bố vào ngay trước thềm khai mạc Hội nghị G20 tại Brazil vào ngày 25/7.
Theo Oxfam, tỷ lệ đánh thuế người siêu giàu đã bị giảm mạnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Tổ chức này cảnh báo về sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa nhóm siêu giàu và phần còn lại của thế giới.
Trên thực tế, theo báo cáo trên, giá trị tài sản ròng trung bình của giới thượng lưu đã tăng gần 400.000 USD/người sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Con số này chênh lệch nhiều so với mức 335 USD của một nửa dân số nghèo nhất thế giới. Theo ông Max Lawson, giám đốc bộ phận chính sách bất bình đẳng của Oxfam: "Bất bình đẳng đã đạt đến mức độ vô lý. 1% người giàu nhất hành tinh vẫn tiếp tục lấp đầy túi của họ, trong khi những người còn lại phải vận lộn để kiếm từng "mảnh vụn"".
Hiện nay, các tỷ phú chỉ phải trả mức thuế chưa tới 0,5% tài sản. Đặc biệt, cứ 5 tỷ phú trên thế giới thì lại có 4 người là công dân của các quốc gia thuộc G20.
Theo AFP, Hội nghị G20 diễn ra vào ngày 25 – 26/7 tại Rio de Janeiro (Brazil), nhóm các Bộ trưởng tài chính cảu G20 và những quốc gia chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, sẽ tiến hành thảo luận về cách đánh thuế đối với những người siêu giàu và người có thu nhập cao. Đồng thời, hội nghị cũng thảo luận về cách thức để ngăn chặn các tỷ phú trốn thuế. Hiện nay, các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và Liên minh châu Phi đều bày tỏ sự ủng hộ, trong khi Mỹ lại kiên quyết phản đối.
Tăng thuế người siêu giàu, thử thách không dễ với G20?
Oxfam nhận định rằng, đây được coi là thử thách thực sự đối với các chính quyền G20. Tổ chức này kếu gọi các nước hãy thực hiện đánh thuế ít nhất là 8% mỗi năm đối với tài sản ròng những người siêu giàu.
Ông Max Lawson cho biết: "Không thể chối bỏ về việc cần tăng thuế với giới siêu giàu. Tuần này là phép thử thực sự đầu tiên đối với các chính phủ G20. Liệu họ có quyết tâm để đạt thỏa thuận về tiêu chuẩn toàn cầu và đặt nhu cầu của số đông lên trên lòng tham của một số ít người giàu có hay không?".
Theo báo cáo được nhà kinh tế học Pháp Gabriel Zucman thực hiện theo ủy quyền của Brazil (nước đang giữ chức chủ tịch G20), các tỷ phú trên thế giới hiện này đang nộp thuế tương đương với 0,3% tổng tài sản.
Báo cáo này dự đoán rằng, nếu áp mức thuế 2% với giới siêu giàu, thế giới sẽ thu về được từ 200 - 250 tỷ USD mỗi năm từ khoảng 3.000 tỷ phú trên hành tinh. Khoản tiền lớn này có thể được dùng để tài trợ những lĩnh vực công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
G20 được thành lập vào năm 1999 nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998. Trên thực tế, G20 đóng vai trò là nền tảng để các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương thảo luận về những vấn đề kinh tế và tài chính trên toàn thế giới.
G20 hiện nay chiếm tổng cộng 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 75% thương mại quốc tế và đặc biệt là nơi sinh sống của 2/3 dân số toàn cầu.
G20 bao gồm các thành viên là Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arab Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi.
VietBF@ Sưu tập