Vivianne Robinson, 66 tuổi, dốc sạch tiền tiết kiệm, tiêu hết hạn mức thẻ tín dụng, làm thêm hai việc cùng lúc để trang trải chi phí tới Paris xem Olympic.
Robinson, sống ở Los Angeles, bang California, Mỹ, đã đi xem 7 Thế vận hội mùa hè trong hơn 40 năm qua. Nhưng chuyến đi tới Olympic Paris lần này đắt đỏ hơn mọi lần, với chi phí lên tới 10.000 USD.
Để kiếm tiền tới Paris và mua 38 vé xem các trận thi đấu, bà đã phải làm công việc bán đồ lưu niệm trên bãi biển Venice Beach ở Los Angeles vào ban ngày và đóng gói hàng hóa trong siêu thị vào ban đêm.
Robinson cho biết bà phải làm việc suốt hai năm và tiêu hết hạn mức thẻ tín dụng mới đủ tiền đến Paris theo đuổi đam mê.
"Tôi chắt chiu từng đồng. Đây là khoản tiền lớn nhưng giá trị mang lại cho tôi xứng đáng gấp nghìn lần", bà nói.
Tuy nhiên, bà vẫn thất vọng khi phải trả 1.600 USD cho vé dự lễ khai mạc nhưng chỉ được xem qua màn hình lớn treo trên cầu.
"Bạn có biết mất bao lâu để kiếm được số tiền đó không?" bà nói. "Nhưng trong cuộc sống, điều gì cũng có thể xảy ra và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bạn vẫn thắng nếu chỉ thua ít lần".
Đam mê Olympic của Robinson bắt đầu từ khi mẹ bà làm phiên dịch cho các vận động viên Đại học California trong Thế vận hội 1984 ở Los Angeles. Hết giờ làm việc, bà thường mang huy hiệu cài áo của các vận động viên về tặng con gái.
Sở thích sưu tập huy hiệu cài áo đã đưa Robinson đến Thế vận hội Atlanta 1996, nơi bà xâu vòng cổ cho các vận động viên để đổi lấy huy hiệu.
"Tôi thu thập tất cả huy hiệu và gặp gỡ rất nhiều vận động viên. Thời đó, an ninh không nghiêm ngặt như bây giờ", bà nhớ lại. "Bây giờ, thậm chí không thể đến gần làng Olympic".
Bà từng tham gia các thế vận hội Sydney 2000, Athens 2004, London 2012, Rio de Janeiro 2016. Bà đã xin được thị thực tới Bắc Kinh năm 2008 nhưng cuối cùng không đủ tiền cho chuyến đi. Vào thế vận hội Tokyo năm 2021, Robinson đã mua vé nhưng được hoàn tiền vì Covid-19 diễn biến phức tạp và các trận đấu diễn ra mà không cho khán giả vào xem.
Trang phục đi xem Olympic của Robinson cũng phức tạp dần theo thời gian. Bà đã dành một năm để chuẩn bị trang phục cho Olympic Paris 2024, trang trí bằng hàng trăm phụ kiện như tháp Eiffel trên mũ, khuyên tai hình logo Olympic, huy hiệu, cờ trên quần áo.
Bộ đồ khiến Robinson nổi bật. Ai đi qua cũng muốn chụp ảnh hoặc chụp chung với bà. "Tôi không đi nổi vì ai cũng ngăn tôi lại để chụp ảnh. Phải mất nhiều thời gian mới đến được địa điểm xem thi đấu, nhưng tôi vẫn ổn", bà nói.
Sau khi Thế vận hội Paris kết thúc, bà sẽ bắt đầu làm việc để chuẩn bị cho thế vận hội kỳ sau, từ trang phục cho tới tiết kiệm tiền mua vé, dù Olympic mùa hè 2028 sẽ diễn ra ở chính quê hương bà, thành phố Los Angeles.
"Tôi sẽ làm việc này suốt đời. Tôi sẽ dành tất cả tiền tiết kiệm của mình cho thế vận hội", bà nói.
|