Trung Quốc đang thể hiện tham vọng rất lớn của mình qua siêu tên lửa này.
Trung Quốc thử nghiệm động cơ tên lửa đẩy ở địa điểm bí mật, lớn nhất châu Á
Space đưa tin cách đây vài giờ cho hay, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công động cơ mới cho một loại siêu tên lửa được thiết kế để đưa các phi hành gia nước này lên Mặt Trăng - tên lửa siêu nặng Long March 10 (Trường Chinh 10).
Động cơ hydro lỏng-oxy lỏng, gọi là YF-75E, đã được thử nghiệm bởi Viện Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) - nhà thầu vũ trụ nhà nước của nước này.
Trong quá trình thử nghiệm, loại động cơ mới đã được đốt cháy trong hơn 16 phút ở môi trường mô phỏng độ cao. Theo kế hoạch, động cơ YF-75E sẽ cung cấp năng lượng cho tầng thứ ba của tên lửa Trường Chinh 10 khổng lồ đang được phát triển.
Hình ảnh mô phỏng siêu tên lửa hạng nặng Trường Chinh 10 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV
SCMP cho biết, cuộc thử nghiệm động cơ YF-75E của tên lửa đẩy Mặt trăng Trường Chinh 10 diễn ra tại một cơ sở mới hoàn thành được cho là cơ sở đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc và lớn nhất châu Á.
Cả Học viện Công nghệ Động cơ đẩy Chất lỏng Hàng không Vũ trụ (AALPT) - đơn vị trực tiếp phát triển YF-75E - và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đều không tiết lộ vị trí chính xác của cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa Trường Chinh 10.
CCTV chỉ tiết lộ hồi tháng 5/2024 rằng, giàn thử nghiệm có thể mô phỏng các điều kiện bay thẳng đứng ở độ cao lớn, bao gồm môi trường chân không với áp suất dưới một kilopascal, trong hàng nghìn giây.
Báo chí quốc tế đánh giá, cuộc thử nghiệm thành công đã xác nhận tính khả thi của động cơ tên lửa hoạt động trong thời gian dài trên không gian, đưa Trung Quốc tiến gần hơn một bước tới mục tiêu hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng trước năm 2030.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, một cặp tên lửa đẩy Trường Chinh 10 (cao 90 mét, sử dụng ba tầng lõi) sẽ được sử dụng để thực hiện 2 nhiệm vụ phóng riêng rẽ, gồm phóng tàu vũ trụ có người lái và tàu đổ bộ Lanyue xuống Mặt trăng.
Hồ sơ 'khủng' của siêu tên lửa Trường Chinh 10
SCMP cho biết, tên lửa siêu nặng ba tầng Trường Chinh 10 – tương đương với tên lửa Falcon Heavy của SpaceX có trụ sở tại Texas (Mỹ) – dài 92,5 mét, có sức chứa gấp 3 lần so với tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc tính cho đến nay (là Trường Chinh 5).
Trường Chinh 10 nặng khoảng 2.189 tấn và có lực đẩy cất cánh khoảng 2.678 tấn. Với sức mạnh đó, theo các nhà phát triển, tên lửa Trường Chinh 10 có thể đưa 70 tấn vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) và 27 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp Trái Đất-Mặt Trăng.
Tầng đầu tiên của Trường Chinh 10 được cung cấp năng lượng bởi 7 động cơ YF-100K, đốt hỗn hợp dầu hỏa và oxy lỏng.
Tầng thứ hai của siêu tên lửa bao gồm 2 động cơ YF-100M, cũng đốt dầu hỏa và oxy lỏng, trong khi tầng thứ ba sẽ được cung cấp năng lượng bởi 3 động cơ YF-75E.
Với siêu tên lửa Trường Chinh 10, Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng nhằm đưa những phi hành gia đầu tiên của mình lên Mặt Trăng trước năm 2030 - đây là sứ mệnh chưa từng có trong lịch sử quốc gia tỷ dân.
Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CASC), Trường Chinh 10 dự kiến sẽ sẵn sàng cho lần phóng đầu tiên vào năm 2027.
"Đến năm 2030, người dân Trung Quốc chắc chắn sẽ có thể đặt chân lên Mặt trăng. Điều đó không thành vấn đề" - Wu Weiren, Tổng công trình sư của Chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Trung Quốc CCTV vào ngày 18/4.
Hiện, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị mọi thứ cho tham vọng lớn dự kiến sẽ thực hiện trong khoảng 6 năm tới.
VietBF@ Sưu tập