Vì sao người Afghanistan sợ hãi luật Sharia dưới thời Taliban? Sharia là một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo. Luật sharia dựa trên sự kết hợp của Kinh Quran và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad.
Giáo sư Akbar Ahmed, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ giải thích với USA Today rằng, “Luật sharia, hay từ sharia, trong bối cảnh văn hóa đương đại, đang ngày càng gây tranh cãi và bị bóp méo về cách hiểu".
Lực lượng Taliban tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo và họ sẽ cai trị đất nước Afghanistan theo luật Sharia, nhưng là theo sự diễn giải của tổ chức này.
Sự trở lại của Taliban cũng có nghĩa là sự trở lại của luật Sharia trong đời sống Afghanistan. Việc lực lượng này nhanh chóng kiểm soát đất nước sau khi người Mỹ rút quân đã làm dấy lên những quan ngại và dự đoán không mấy tích cực về tương lai của Afghanistan.
"Chúng tôi sẽ không thảo luận về việc chúng tôi nên áp dụng một thể chể chính trị nào ở Afghanistan vì điều đó đã rất rõ ràng. Đó là luật Sharia, và chỉ có vậy", chỉ huy Taliban Waheedullah Hashimi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, nói với các phóng viên hồi đầu tuần này rằng Taliban sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo các tiêu chuẩn của luật Hồi giáo. Ảnh: AP.
Trong tiếng Arab, Sharia bắt nguồn từ một từ có nghĩa là con đường, hoặc "lối đi rõ ràng, được nhiều người sử dụng, dẫn đến nguồn nước". Trong thực tế, Sharia được hiểu, diễn giải và áp dụng theo những cách khác nhau trên khắp thế giới, theo các truyền thống và bối cảnh văn hóa cụ thể, cũng như vai trò của đạo Hồi trong từng chính phủ.
Người Hồi giáo trên khắp thế giới tuân thủ chặt chẽ một loạt các quy định của tôn giáo này trong đời sống hàng ngày của họ, bao gồm việc cầu nguyện và ăn kiêng. Những quy định này chủ yếu dựa trên kinh Koran - kinh thánh của người Hồi giáo, cũng như những lời dạy của nhà tiên tri Muhammad.
Các lãnh đạo, giáo sĩ và con chiên có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các truyền thống và tiền lệ. Điều này cũng bao gồm vai trò của Sharia trong bộ luật hình sự của một quốc gia. Ở khía cạnh này, Sharia bao gồm những hình phạt nghiêm khắc, được áp dụng ở một số ít quốc gia. Nó cũng quyết định các vấn đề như hôn nhân, thừa kế và quyền nuôi con, vốn phổ biến hơn trong thế giới Hồi giáo.
Taliban từng áp dụng luật Sharia như thế nào
Khi cai trị Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001, lực lượng Taliban đã áp dụng một cách diễn giải hà khắc nhất của Sharia trong thế giới Hồi giáo. Phụ nữ phải mặc burqas - che kín từ đầu đến chân cũng như toàn bộ khuôn mặt. Họ cũng sẽ bị trừng phạt nếu đi ra ngoài mà không có người giám hộ (là nam giới) đi cùng.
Phụ nữ không được đi học trong thời gian này, và những ai vi phạm quy định của Taliban có thể bị hành quyết, phạt roi hoặc ném đá ở nơi công cộng.
Trong vòng 2 thập kỷ qua, nhiều khu vực của Afghanistan vẫn nằm dưới sự kiểm soát hoặc trở lại với sự kiểm soát của Taliban. Ở những khu vực đó, lực lượng này tiếp tục áp dụng các quy định hà khắc, nhưng cũng có một số cải cách ít ỏi.
Phụ nữ Afghanistan sẽ phải đối mặt với các quy định khắt khe theo luật Sharia mà Taliban diễn giải và áp dụng. Ảnh: Reuters.
Taliban nói gì về Sharia?
Lịch sử cai trị cực đoan của Taliban khiến cho nhiều người vẫn sợ hãi, bất chấp một số nỗ lực của tổ chức này nhằm đưa ra giọng điệu mềm mỏng hơn.
Chỉ huy Taliban Hashimi cũng nói với Reuters rằng quyền của phụ nữ Afghanistan sẽ được định đoạt bởi một hội đồng các học giả Hồi giáo. Lực lượng này cũng vạch ra một hệ thống với những điểm tương đồng nổi bật với các quy tắc trước đây của Taliban.
Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, nói với các phóng viên hồi đầu tuần này rằng Taliban sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo các tiêu chuẩn của luật Hồi giáo, nhưng không nói rõ hơn việc này sẽ diễn ra như thế nào. Ông Mujahid cũng đưa ra một cam kết mơ hồ về việc duy trì các quyền tự do báo chí, miễn là các nhà báo không "chống lại các giá trị quốc gia".
Ông Abdulaziz Sachedina, giáo sư về tôn giáo và chính trị tại Đại học George Mason, người chuyên nghiên cứu về Hồi giáo, cho rằng lực lượng Taliban sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện các chính sách liên quan đến luật Sharia.
"Rất dễ dàng để nói: 'Chúng tôi sẽ áp dụng luật Sharia', nhưng không dễ để thực thi điều đó", ông Sachedina nhận định.
Ông Sachedina cho biết luật Sharia không có một hệ thống các quy định thích hợp cho một nhà nước hiện đại, ví dụ như các luật liên quan đến thương mại hay hành chính.
"Không hề có điều gì trong luật Sharia nói rằng đây là cách bạn điều hành một nhà nước. Luật Sharia còn cách xa nhà nước hiện đại như chúng ta biết ngày nay", ông Sachedina nói thêm.
Tại sao luật Sharia lại gây tranh cãi ở Mỹ và các nước khác?
Một số tiếng nói ở phương Tây đã chỉ trích kịch liệt luật Sharia, đặc biệt là với những sự trừng phạt man rợ lên cơ thể. Trong số các chính trị gia và nhà bình luận bảo thủ ở Mỹ, nối sợ hãi về luật Sharia là điều phổ biến, mặc dù nó không có vai trò nào trong hệ thống luật pháp Mỹ.
Hàng dài người xếp hàng để rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế Kabul. Ảnh: AP.
Mười một tiểu bang ở Mỹ đã có các bước nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của Sharia đến các tòa án. Mặc dù vậy, Sharia vẫn được áp dụng bởi một số cá nhân và cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ.
Các quy tắc Hồi giáo về trang phục của phụ nữ cũng là nguồn gốc của sự tranh cãi kịch liệt ở nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt là cách diễn giải yêu cầu phụ nữ mặc burqa che kín toàn thân thay vì các trang phục khác.
Mới đây nhất, Pháp ban hành lệnh cấm che mặt theo Hồi giáo ở các không gian công cộng, và nhiều nước châu Âu khác cũng ban hành các chính sách tương tự.
VietBF@ sưu tập