Một số nền tảng tích cực được tạo ra trong năm 2014 có thể giúp kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng 3% trong năm 2015 so với mức 2,7% của năm nay.
Nền kinh tế toàn cầu năm 2014 vẫn ì ạch dọ sự trỗi dậy của nền kinh tế Mỹ chỉ đủ giúp bù đắp lại sự tăng trưởng chậm lại ở châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc.
|
IHS dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm tới. |
Nhưng theo Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế hàng đầu của tổ chức IHS, đã có một số nền tảng tích cực được tạo ra trong năm 2014 có thể giúp kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng 3% trong năm 2015 so với mức 2,7% của năm nay.
IHS cũng đưa ra 10 dự báo cho nền kinh tế trong năm 2015, CNBC cho biết.
1. Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc
Theo IHS, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm tới nhờ sự tăng cường nhu cầu trong nước, đặc biệt là chi tiêu tiêu dùng.
Các nguồn động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, vẫn đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực nhờ tăng trưởng việc làm mạnh, tình hình tài chính của các hộ gia đình được cải thiện, và giá xăng giảm xuống mức thấp.
IHS dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% đến 3% trong năm 2015.
2. Euro zone tiếp tục chật vật
Các nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro zone) sẽ tiếp tục yếu do đấu tranh với tình trạng thị trường lao động vẫn ảm đạm. Nhưng nhờ giá dầu giảm mạnh, đồng Euro yếu, thách thức về tài khóa, sức ép từ nợ nước ngoài nhẹ đi, chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế ở khu vực này.
Theo dự báo của IHS, kinh tế Euro zone sẽ tăng tốc nhẹ, đạt mức tăng 1,4% trong năm 2015 từ 0,8% dự kiến đạt được trong năm nay.
3. Kinh tế Nhật bật dậy từ suy thoái
|
Các nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro zone) sẽ tiếp tục yếu.
|
Sau khi trải qua cuộc suy thoái lần thứ 4 trong 6 năm, nền kinh tế Nhật hứa hẹn sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2015, mặc dù dự báo chỉ đạt khoảng 1%.
Tin mừng này đến với nền kinh tế thứ ba thế giới nhờ chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ Tokyo, giá năng lượng giảm.
4. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại
Sự hỗ trợ tiếp tục từ chính sách tiền tệ và tài khóa dự kiến vẫn không đủ để nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng. Dự báo, nó sẽ chỉ còn đạt 6,5% trong năm tới, mức yếu so với “tiêu chuẩn” của Bắc Kinh, nhưng vẫn là niềm mơ ước của tất cả các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
5. Các nền kinh tế mới nổi có phân hóa về tăng trưởng
Hầu hết các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt được mức tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2015 nhờ giá dầu giảm, thanh khoản toàn cầu tăng, và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và châu Âu.
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, Mỹ Latin, Trung Đông, Bắc Phi, khu vực tiểu sa mạc Sahara được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm này.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga có thể sẽ đuối hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt, giá dầu sụt giảm mạnh và sự tháo chạy của các dòng vốn.
6. Giá hàng hóa cơ bản sẽ tiếp tục giảm mạnh
|
Giá dầu có thể giảm đợt nữa trong năm 2015.
|
Giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 40% kể từ mùa hè năm nay do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu yếu đi, còn nguồn cung lại tăng mạnh.
Trung Quốc vẫn được xem là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, nhưng sự chậm lại của nền kinh tế này có thể đồng nghĩa với một đợt giảm giá dầu nữa trong năm 2015.
Ngoài ra, theo đánh giá của IHS, giá cả của các loại hàng hóa cơ bản, gồm dầu thô, sẽ giảm trung bình 10% trong năm tới.
7. Nguy cơ giảm phát
Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, các yếu tố giảm phát đang xuất hiện mạnh nhất ở các nền kinh tế phát triển và nền kinh tế mới nổi là Nga, nơi đồng rúp đang mất giá trị mạnh và lạm phát thì tăng cao.
8. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất
Theo IHS, FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại trong tháng 6, 8 và 10 năm tới.
|
Các ngân hàng lớn sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại.
|
Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), BOJ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) có thể sẽ hạ thêm lãi suất hoặc bơm thêm thanh khoản vào thị trường thông qua việc mua tài sản cùng với các công cụ khác.
9. Đồng USD tiếp tục thống trị
Đồng USD sẽ tiếp tục mạnh nhờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng FED tăng lãi suất.
Trong khi đó, khả năng ECB và BOJ tăng cường bơm thanh khoản vào thị trường đồng nghĩa với việc cả đồng Euro và đồng Yên sẽ tiếp tục giảm trong năm 2015.
IHS dự báo, tỷ giá đồng Euro/USD sẽ giảm về ngưỡng 1,15-1,2 USD/Euro trước mùa thu năm 2015, còn USD/Yên sẽ giao dịch trong khoảng 120-125 Yên/USD trong năm tới.
10. Rủi ro nợ nần giảm
Những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với vấn đề nợ công và tư ở mức cao khiến quá trình giảm nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ bị đình trệ.
Nhưng theo IHS, đến năm 2015, những yếu tố cản trở tăng trưởng này sẽ giảm xuống ở một số quốc gia, nhất là Mỹ và Anh, và giúp các nền kinh tế này đạt được tăng trưởng.
GDVN