Bố hơn mẹ 12 tuổi. Bố lại mang di chứng bệnh tật sau 9 năm nơi chiến trường nên sức khỏe rất yếu. Ở nhà nó, bố là đâu não, là trung tâm chỉ huy. Mẹ là người thực thi nhiệm vụ, mẹ tả xung hữu đột khắp nơi. Tất cả việc nặng nhọc lẽ ra là của đàn ông thì mẹ đều làm hết. Mẹ làm hùng hục như một con trâu đúng nghĩa. Trời nắng hay trời mưa nó chưa hề thấy mẹ ngơi nghỉ.
Nó không nhớ nổi bao nhiêu ngày trời mưa tầm tã, tiết trời se lạnh, khi mà bố, nó, ông bà và các em nó còn cuộn tròn trong chiếc chăn ấm thì mẹ dậy sớm nấu cơm chuẩn bị sẵn để cả nhà thức dậy là có cái để ăn, rồi người đi làm, người đi học, người ở nhà trông em và chơi với ông nội. Rồi mẹ lại tất tả đạp xe đi vào xí nghiệp gạch để làm việc. Đến cuối ngày, trên đường đi làm về, mẹ lại tranh thủ chở thêm ít củi là những cành cây khô rớt xuống ở hai bên cánh rừng bạch đàn trên đường về. Kẽo kẹt đi làm là thế nhưng xí nghiệp cứ nợ lương mãi, cuối cùng cũng đến ngày xí nghiệp tuyên bố phá sản, mẹ bị mất 3 tháng lương lao động vất vả.
Nó không nhớ nổi, bao nhiêu trưa hè nóng nực, mẹ bê từng rổ mít, rổ mãng cầu đến từng giường trong kí túc xá trường đại học để bán kiếm tiền. Những trái mít, trái mãng cầu đèo đuột mẹ chừa lại cho ba đứa con ăn lót dạ. Mẹ lựa trái mãng cầu to tròn nhất, bỏ vào đĩa dâng lên mời ông nội ăn. Còn lại bao nhiêu trái to mẹ để dành đem bán. Mẹ ngồi cắt tỉa từng miếng mít cho đẹp mắt để mong rổ mít thật hấp dẫn người mua, để bán cho nhanh hết hàng. Mẹ bảo, may mà bác hàng xóm là hiệu trưởng trường đại học đặc cách cho mẹ được mang trái cây vào trường nên bán mới nhanh hết, chứ có ai được vào tận giường kí túc xá để bán như mẹ đâu.
Rồi cuộc sống nơi vùng quê hẻo lánh khó kiếm sống. Bố tha lôi cả gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp.
Nó không nhớ nổi mẹ đã phải làm bao nhiêu việc để việc buôn bán hòng mong có thêm thu nhập.
Nó không nhớ nổi bao nhiêu ngày nắng, bao nhiêu ngày mưa, mẹ chân trần lội bì bõm trong làn nước ngâm tẩm hóa chất xử lý gỗ ở các xưởng cưa để mang bán từng két bia, từng chai nước ngọt. Trời mưa, bán ế, có người mua hàng là mừng không hết, còn đâu có tâm trí mà nghĩ đến độc hại sau này. Mà có sau này gì cho lâu. Có lẽ, chính vì lội nước hóa chất mà chân mẹ sần sùi, nứt nẻ, chạy chữa ở đâu cũng không hết. Cho mãi đến sau này, khi các xưởng cưa di dời đi xa, mẹ không phải lội vào cái nước hóa chất đó để giao hàng nữa thì một thời gian sau chân mẹ tự lành.
Nó không nhớ nổi, bao nhiêu chuyến xe ba gác nước đá ngược xuôi lên dốc, xuống dốc từ xưởng nước đá về nhà rồi lại đem giao đi các quán.
Nó không nhớ nổi bao nhiêu chuyến xe ba gác củi kéo từ xưởng cưa về nhà cho bố bán. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mẹ lao ra làm bất chấp. Hồi ấy sức còn khỏe, nên ỷ y, mẹ chẳng bao giờ mặc áo mưa, cứ thế dầm mưa làm cho đỡ vướng víu. Kéo nặng cộng thêm dầm mưa lâu ngày làm xương sống và các khớp của mẹ trở bệnh. Giờ đôi lúc đau quá, mẹ buột miệng, biết thế ngày xưa không làm hùng hục như trâu nữa. Nếu biết thế thì có chắc mẹ không làm?! Chắc chắn là không. Lúc ấy, chỉ biết làm thế nào kiếm ra đồng tiền chân chính để nuôi con là mẹ làm tất.
Nó không nhớ nổi bao nhiêu chuyến xe đạp ngược xuôi khắp các chợ đầu mới để chở bao đường 50kg, can nước mắm mấy chục lít, mấy chục chai nước tương về cho bố bán. Và có lẽ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh hội chứng ổng cổ tay của mẹ, làm mẹ tê tay, mất kiểm soát bàn tay.
Nó không nhớ nổi, bao nhiêu bữa ăn ngon được nấu ra, mẹ thấy bố và chị em nó ăn ngon miệng là y như rằng chỉ ngồi ngắm bố và đàn con ăn thôi mẹ cũng đã đủ no rồi. Giờ cũng vậy, mỗi lần con cháu tập trung ăn uống, y như rằng, mẹ dành bế cháu cho con dâu rảnh tay ăn, mẹ dành nhặt xương cho cháu, mẹ chỉ ăn những miếng xương xẩu, miếng nạc miếng ngon mẹ dành cho bố, cho con, cho cháu. Nó biết ý, lấy cho mẹ một phần ăn đầy đặn mà nào mẹ có yên lòng ngồi ăn khi con cháu chưa đông đủ, chưa ăn uống no nê.
Để rồi, bây giờ, khi bố gần 80, mẹ thua bố đến tận 12 tuổi nhưng cơ thể mẹ rệu rã hơn bố nhiều. Mẹ cũng nhiều bệnh tật hơn bố. Những cơn đau nhức hành hạ mẹ ngày đêm cũng chỉ mình mẹ gánh chịu. Chồng con bên cạnh có thương cũng đâu gánh thay được. Để bây giờ mẹ ước thời gian quay trở lại mẹ sẽ mặc áo mưa đi kéo đá, kéo củi khi trời mưa, mẹ sẽ hủy các đơn hàng vào nơi phải lội nước hóa chất ngâm gỗ.
Mọi điều giá như đều không thể làm được.
Thế nên, ai ơi, thương mình đi nhé, thương người để sau.
VietBF@sưu tập